Đó là ý kiến của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM tại Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và nguồn nhân lực lần thứ 2, năm 2022.
Hội nghị do Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM tổ chức tại ĐHQG-HCM vào sáng 24/12.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN, hội nghị nhằm bàn về vai trò, đóng góp của KHCN&ĐMST với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương để từ đó có những giải pháp, khuyến nghị hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách, pháp luật về KHCN&ĐMST trong những năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, năm 2022, ĐHQG-HCM đã nỗ lực công bố quốc tế hơn 1.900 bài báo. Nhiều nhà khoa học ĐHQG-HCM có hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nổi bật, đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đồng thời ĐHQG-HCM cũng thực hiện nhiều dự án quốc tế. Tuy nhiên, với sứ mạng của mình và khát vọng vào top đầu châu Á và thế giới, nếu so với ĐHQG Singapore, khoảng cách này còn quá xa.
Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng trong nhiệm vụ phát triển KHCN&ĐMST có một số thách thức đang đặt ra. Thứ nhất là ngân sách chi đầu tư cho con người mà cụ thể là cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học ngày càng hạn chế. Một phần là do thực hiện chính sách cắt chi thường xuyên đối với các đơn vị thực hiện tự chủ đại học. Thứ hai là việc đầu tư chưa thực sự có trọng tâm trọng điểm, cần xây dựng các công trình nghiên cứu trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển của vùng và đất nước. Thứ ba là hiện các nhà khoa học ĐHQG-HCM ngoài việc viết bài báo, viết sách, nghiên cứu khoa học còn phải làm thanh quyết toán. “Không nên biến nhà khoa học thành kế toán viên. Sản phẩm, kết quả nghiên cứu của nhà khoa học nên để các nhà khoa học giám sát lẫn nhau. Khi các nhà khoa học làm đề tài nghiên cứu cần công bố và công khai trên mạng để các nhà khoa học khác giám sát. Ví dụ như một khoản kinh phí bao nhiêu có thể làm ra được sản phẩm nghiên cứu đó. Còn các quy định về giải ngân, quyết toán, tài chính hiện liên quan tới luật thì từng bước đơn giản hóa thủ tục và giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài” - PGS.TS Vũ Hải Quân nói.
Ngoài ra, hai thách thức khác cũng được Giám đốc ĐHQG-HCM đề cập là vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chưa đáp ứng được sự phát triển và chưa phát huy được hết vai trò của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Giám đốc ĐHQG-HCM hy vọng qua hội nghị, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG-HCM chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để đưa KHCN&ĐMST đạt được kỳ vọng của Đảng và Nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe 7 báo cáo, tham luận: KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vùng lãnh thổ của TS Chu Thúc Đạt - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN; Nâng cao vai trò và đóng góp của KHCN&ĐMST đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng của TS Nguyễn Đình Chúc - Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh các vùng chiến lược của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo định hướng của Bộ Chính trị của PGS.TS Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; ĐHQG-HCM xây dựng Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ) của PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN, ĐHQG-HCM; KHCN&ĐMST tại ĐHQG Hà Nội hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Ban KH&CN, ĐHQG Hà Nội; Giới thiệu Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương của PGS.TS Hoàng Minh - Giám đốc Học viện KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN; và Becamex IDC: Từ Công nghiệp - Đô Thị - Dịch vụ đến KHCN&ĐMST của TS Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công nghệ Thông tin Becamex IDC.
PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng hội nghị có sự hợp tác của 5 đơn vị lớn, đặt ra các vấn đề về nguồn nhân lực, chính sách, chương trình trọng điểm của quốc gia về KH&CN là rất hay. Để phát huy hiệu quả sự hợp tác này, PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng các tổ công tác của 5 đơn vị cần làm việc trước xem những vấn đề cần giải quyết, sau đó là phiên làm việc của các thủ trưởng để bàn bạc, thống nhất rồi đưa ra thông báo kết luận và triển khai theo cơ chế đặc thù, thí điểm.
Kết luận hội nghị, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp để phát triển KHCN&ĐMST của đất nước trong thời gian tới.
Tin, ảnh: BẢO KHÁNH - THIỆN THÔNG
Hãy là người bình luận đầu tiên