Khoa học công nghệ

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

  • 26/12/2021
  • Chuyển đổi số hiện nay là một phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đại học. Với vai trò và vị trí của mình, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã có bài viết chia sẻ nhận thức và quan điểm về chuyển đổi số, cũng như việc thực hiện chuyển đổi số, cùng những thách thức và cơ hội đặt ra cho quá trình này. Và từ những chia sẻ chủ yếu dựa trên báo cáo về chuyển đổi số trong giáo dục đại học của Trường ĐH Bang North Carolina, Hoa Kỳ, PGS.TS Vũ Hải Quân đã có những trao đổi cụ thể, rõ ràng, hệ thống về các vấn đề trong chiến lược chuyển đổi số của ĐHQG-HCM. Website ĐHQG-HCM xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

    1. Về chuyển đổi số

    Nói một cách đơn giản thì chuyển đổi số (CĐS) là “sự thay đổi về cách thức hoạt động của một tổ chức nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bằng cách khai thác ứng dụng công nghệ và dữ liệu” . Đối với giáo dục đại học, mục tiêu này chính là nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Về bản chất, CĐS không thay đổi giá trị cốt lõi hay mô hình của một tổ chức giáo dục đại học mà là sự chuyển đổi hoạt động cốt lõi thông qua công nghệ và nền tảng số, đồng thời nắm bắt các cơ hội mà chúng mang lại. Nói cách khác, CĐS là sự giao thoa giữa công nghệ và chiến lược đào tạo.
     

    Hình 1. Tác nhân, thành phần và hiệu quả của CĐS trong giáo dục đại học.

    Hình 1 minh họa một bức tranh tổng quát về các tác nhân, thành phần và hiệu quả của CĐS trong giáo dục đại học. Theo đó, 3 tác nhân thúc đẩy quá trình CĐS ở một trường đại học là: (1) ngân sách nhà nước ngày càng giảm; (2) kỳ vọng ngày càng cao của người học; (3) công nghệ ngày càng phát triển. Ba thành phần cơ bản của quá trình CĐS gồm: (1) con người; (2) chiến lược; (3) công nghệ. Bốn hiệu quả được kỳ vọng khi thực hiện CĐS là (1) nâng cao chất lượng đào tạo, (2) nâng cao hiệu quả nghiên cứu, (3) xuất hiện những phương thức/mô hình đào tạo mới, và (4) gia tăng nguồn lực tài chính. Sẽ là phiến diện nếu chỉ coi CĐS đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam mà cần phải coi CĐS như là cả một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới.

    “Sẽ là phiến diện nếu chỉ coi CĐS đơn thuần là giảng dạy từ xa thông qua webcam mà cần phải coi CĐS như là cả một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới”.

    (PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM)

    1.1. Xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đại học

    Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số xu hướng CĐS ở các trường đại học lớn trên thế giới cũng như những hiệu quả mà CĐS có thể mang lại:

    -    Mở rộng đối tượng người học, gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; giảm chi phí nhưng tăng chất lượng đào tạo.

    -    Thu thập và phân tích dữ liệu lớn của người học để tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập, từ đó có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như của xã hội.

    -    Sử dụng mạng lưới kết nối trực tiếp/trực tuyến với doanh nghiệp/nhà tuyển dụng để đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết, giúp người học có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.

    -    Ứng dụng thực tế ảo tăng cường nhằm tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học.

    -    Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ…

    1.2. Những yêu cầu và thách thức của chuyển đổi số

    Yêu cầu

    Thách thức

    (1) Phải có tư duy thích ứng với các thay đổi nhanh và chấp nhận thay đổi, từ thói quen đến các quy trình nghiệp vụ.

    (2) Phải có kiến thức cơ bản về sử dụng công nghệ ở cả cán bộ quản lý, giảng viên và người học.

    (3) Phải cải thiện hạ tầng công nghệ (hệ thống mạng và hệ thống tính toán), thiết bị, phần mềm giảng dạy và học tập.

    (1) Khả năng và mức độ sẵn sàng cho quá trình CĐS, hiểu được ý nghĩa và giá trị cốt lõi của CĐS của lãnh đạo, giảng viên và người học và các bên có liên quan.

    (2) Chi phí đầu tư khởi điểm cho CĐS cao so với hiệu quả ban đầu.

    (3) Hạn chế về đường truyền, băng thông và các phần mềm, thiết bị hỗ trợ giảng dạy và học tập.


    2. Các vấn đề trong chiến lược chuyển đổi số của ĐHQG-HCM

    Hơn 10 năm qua, ĐHQG-HCM và các trường đại học thành viên đã từng bước đầu tư, phát triển các nền tảng hỗ trợ cho hoạt động chuyên môn, học thuật trong hệ thống như: thư viện số, hệ thống quản lý học vụ… Tuy nhiên, các nền tảng này còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống, chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo, chưa thực sự hỗ trợ được cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

    Học viên ĐHQG-HCM bảo vệ luận văn thạc sĩ theo hình thức trực tuyến.

    Việc thực hiện CĐS toàn diện trong ĐHQG-HCM là một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, quá trình này cần cân nhắc đến các điều kiện hiện hữu về hạ tầng công nghệ, kinh phí, sự đồng bộ và sự sẵn sàng của các trường đại học thành viên. Có 8 yêu cầu cơ bản cần đáp ứng cho CĐS bao gồm:

    2.1. Duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo

    Đại dịch đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện CĐS là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, CĐS cần đáp ứng được các điều kiện sau:

    -    Tất cả các môn học cần được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy được cho cả trực tuyến (online) và trực tiếp (onsite). Đề cương môn học và tài liệu phải được cập nhật đầy đủ trước khi khóa học mới bắt đầu.

    -    Bảo đảm đáp ứng tối thiểu các điều kiện về đường truyền, băng thông, trang thiết bị cần thiết. Có kế hoạch hỗ trợ tài chính hoặc vay mượn thiết bị cho người học. Tổ chức các khóa huấn luyện cơ sở cho đội ngũ giảng viên, cán bộ về cách thức vận hành, hoạt động trong môi trường số.

    -    Bổ sung vào chương trình đào tạo một số môn học cơ bản bắt buộc về công nghệ nhằm cung cấp kiến thức tối thiểu giúp người học hòa nhập vào môi trường giáo dục số.

    -    Thành lập tổ công tác về CĐS để xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí; chọn lựa cách thức triển khai thực hiện; xây dựng và ban hành các quy chế, quy định.

    2.2. Phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao

    Một thành phần quan trọng của quá trình CĐS ở các trường đại học là mô hình dạy học hỗn hợp (blended learning). Mô hình này lấy người học làm trung tâm, đề cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng đặt câu hỏi thảo luận, giúp người học phát triển được những kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thiết thực với công nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai được mô hình dạy học hỗn hợp cần phải có một kho học liệu mở đồ sộ (MOOC) với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, được biên soạn sẵn. Đây là một thách thức không nhỏ trong bước đầu thực hiện CĐS vì bên cạnh chi phí đầu tư để thực hiện còn cần sự kiên trì của giảng viên. Để thực hiện tốt mô hình đào tạo hỗn hợp cần đáp ứng 2 yêu cầu:

    -    Tận dụng công cụ và nền tảng số để cung cấp kiến thức liên tục, mọi lúc mọi nơi cho người học.

    -    Cung cấp cơ hội cho người học tiếp cận với môi trường thực tế thông qua phương thức đồng đào tạo với doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, người học sẽ được trải nghiệm các mô hình học mới: học theo trải nghiệm thực tiễn, học theo phương pháp giải quyết vấn đề, học cách hòa nhập môi trường thực tế…

    2.3. Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao

    Đội ngũ giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện CĐS, bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác... Đây là một chiến lược dài hơi, cần được chuẩn bị từng bước khi thực hiện CĐS, thông qua các hoạt động:

    -    Tổ chức các khóa huấn luyện: giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình hỗn hợp, huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số…

    -    Tổ chức thiết kế/biên soạn lại các môn học theo mô hình dạy học hỗn hợp, mô hình học liệu mở, bài học có tương tác… Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

    -    Đẩy mạnh hình thức khen thưởng giảng viên có thành tích giảng dạy xuất sắc, hình thành mạng lưới các giảng viên xuất sắc để họ hướng dẫn lại cho đồng nghiệp trong khoa/bộ môn của mình.

    -    Mở chương trình tu nghiệp, đưa giảng viên đi học tập, trải nghiệm ở các đơn vị công nghệ trong và nước ngoài trong khuôn khổ dự án PHER.

    2.4. Chuyển đổi số cho hoạt động nghiên cứu khoa học

    Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học đang chuyển dịch trọng tâm vào dữ liệu. Thực hiện CĐS trong nghiên cứu khoa học cần tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu, các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn. Cụ thể như:

    -    Xây dựng được một trung tâm dữ liệu lớn để thu thập, tích lũy dữ liệu mẫu, dữ liệu thực nghiệm ở tất cả các lĩnh vực. Thông qua việc cùng giải quyết các vấn đề sử dụng bộ dữ liệu dùng chung, các công trình nghiên cứu sẽ liên kết được với nhau, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả, đồng kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu lớn còn cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ cho các thực nghiệm trên dữ liệu lớn.

    -    Phát triển mạng lưới tư vấn khoa học: đây sẽ là nơi các đề xuất nghiên cứu được góp ý/đánh giá công khai, là nơi doanh nghiệp đặt đầu bài nghiên cứu, nơi đón nhận các đề xuất nghiên cứu và cấp kinh phí thực hiện.

    -    Hình thành các trung tâm khởi nghiệp là nơi ươm mầm kết quả nghiên cứu tiềm năng và triển lãm giao dịch, nơi giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, gắn kết giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái, sẵn sàng hợp tác đầu tư vào quy mô sản xuất lớn.

    2.5. Mở rộng đối tượng người học, mở rộng tiếp cận công nghệ cho người học

    Với sự sẵn sàng của lớp học số, tài liệu số, kho học liệu mở, đối tượng người học của trường đại học sẽ không còn bị bó buộc bởi độ tuổi. Bất kỳ ai, ở đâu, làm gì đều có thể tham gia học và nhận bằng tốt nghiệp. Các giới hạn về diện tích của trường hay khoảng cách địa lý sẽ không còn nữa. Từ đó, chỉ tiêu đào tạo và đóng góp cho kinh tế xã hội cũng tăng lên.

    Để nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, người học cần có điều kiện để tiếp cận, tương tác với môi trường số trong học tập trực tuyến lẫn trực tiếp. Do đó, chúng ta cần:

    -    Thành lập các phòng thí nghiệm tương tác công nghệ với đầy đủ trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết. Người học có thể hiện thực hóa các ý tưởng hay đồ án của mình.

    -    Xây dựng câu lạc bộ ngoại khóa, phổ cập kiến thức công nghệ cần thiết cho người học mới.

    -    Tích hợp thực tế ảo, thực tế tăng cường và thực tế hỗn hợp vào môi trường học. Đây là một trợ lý đắc lực cho người học để trải nghiệm công nghệ.

    -    Giảm thiểu phát hành sách/tài liệu truyền thống. Thay vào đó, cung cấp học liệu số, kho học liệu mở cho người học.

    -    Mở kênh 24/7 giải đáp những thắc mắc chung và hỗ trợ kỹ thuật.


    2.6. Phân tích dữ liệu người học

    Một hoạt động hiệu quả trong quá trình thực hiện CĐS là khả năng phân tích dữ liệu người học. Cụ thể, từ lộ trình, tiến độ, cũng như sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học được theo dõi và phân tích tự động. Đây là nền tảng cho việc học tập cá nhân hóa. Từ kết quả phân loại này, người học có thể điều chỉnh nhịp độ, cường độ học tập hoặc thay đổi môn/ngành/định hướng cho phù hợp với bản thân. Người học trong nhóm nguy cơ sẽ được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ nhà trường. Hệ thống cũng phân tích được các yếu tố tác động tạo ra sự khác biệt trong kết quả học tập, làm cơ sở điều chỉnh hoạt động đào tạo về sau.
    Một số điểm cần lưu ý trong chiến lược này:

    -    Quyền riêng tư dữ liệu: phải xác định loại dữ liệu của người học hoặc giáo viên mà hệ thống được quyền thu thập, phân tích, đánh giá.

    -    Cần có sự hỗ trợ từ AI trong khai thác nguồn dữ liệu.

    -    Hiệu quả thực sự của phân tích học vụ: mức độ tin cậy của việc đánh giá, tác động tiêu cực khi kết quả đánh giá là sai

    -    Gia tăng chi phí cho lưu trữ, cài đặt, vận hành, bảo trì…


     2.7. Phát triển các ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản trị

        Trên nền tảng dữ liệu chung là các hệ thống các ứng dụng hỗ trợ phục vụ công tác điều hành quản trị. Các hệ thống này bao gồm ứng dụng quản trị số - chữ ký số, văn phòng điện tử, thống kê dữ liệu phục vụ xếp hạng đại học, phục vụ xây dựng báo cáo, phục vụ công tác quản lý như khen thưởng, phân tích xếp loại… Các ứng dụng này cần đảm bảo tính nhất quán và liên thông trong toàn hệ thống.

    2.8. Lan tỏa chuyển đổi số

    Khi đã hoàn thành thực hiện CĐS, ĐHQG-HCM có thể nhân rộng mô hình mẫu và hỗ trợ CĐS cho các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực giáo dục. Các hoạt động hỗ trợ có thể gồm:

    -    Truyền tải phương thức và tiếp cận CĐS.

    -    Chia sẻ tài nguyên số, công nghệ, nền tảng số, kho học liệu, trung tâm dữ liệu…

    -    Huấn luyện/đồng huấn luyện giảng viên/cán bộ.

    -    Mở giáo dục đào tạo liên thông: miễn tín chỉ cho học sinh phổ thông đạt điều kiện hoặc đã học qua những môn tương ứng trên hệ thống giáo dục số.

    3. Hạ tầng chuyển đổi số

    Khả năng thành công của CĐS trong giáo dục đại học cần có hạ tầng số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng logic và hạ tầng vật lý. Hạ tầng logic chính là dữ liệu. Hạ tầng vật lý bao gồm mạng lưới kết nối, băng thông mạnh, phương thức sư phạm hiện đại, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm người học và quan trọng hơn hết là các công cụ/nền tảng hỗ trợ triển khai. Những công cụ này, dưới dạng hạ tầng kỹ thuật, phải đủ ổn định và tin cậy để vận hành được các yêu cầu, tính năng của giáo dục đào tạo thế hệ mới. Vì vậy, thực hiện CĐS cần có chính sách cụ thể, rõ ràng cho thành phần tiên quyết này.

    3.1 Hạ tầng dữ liệu

    Hạ tầng dữ liệu hay còn gọi là trung tâm dữ liệu là thành phần quan trọng trong quá trình CĐS. Đối với giáo dục đại học, cần hình thành một số trung tâm dữ liệu như:

    -    Trung tâm dữ liệu người học: là dữ liệu của tất cả người học, kể từ khi đăng ký dự thi vào ĐHQG-HCM cho đến khi ra trường. Nó ghi nhận toàn bộ quá trình, kết quả học tập cũng như các hoạt động của người học.

    -    Trung tâm dữ liệu giảng viên: là dữ liệu của tất cả cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong hệ thống ĐHQG-HCM. Nó ghi nhận toàn bộ quá trình công tác của giảng viên tại ĐHQG-HCM kể từ khi bắt đầu công tác cho đến khi nghỉ hưu.

    Các dữ liệu này cần được cập nhật, lưu trữ đồng bộ, được phân quyền quản lý và truy cập theo từng nhóm đối tượng

    3.2. Hạ tầng vật lý

    Cụm từ “chuyển đổi” mang nghĩa đen là thay đổi, trước tiên là thay đổi trong hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức như năng lực phần cứng, năng lực tính toán và mức độ làm chủ công nghệ.

    -    Sức mạnh phần cứng thể hiện qua khối lượng trang thiết bị thông minh, độ cao băng thông truyền, khả năng lưu trữ…

    -    Năng lực tính toán thể hiện ở các cụm máy chủ, cụm HPC, khả năng đáp ứng tính toán trên khối lượng dữ liệu lớn trong thời gian tối thiểu.

    -    Mức độ làm chủ công nghệ: AI, IoT, Bigdata, an toàn thông tin là các chủ đề cần lưu tâm. Phần lớn tiến trình và ứng dụng của CĐS đều có liên quan đến 4 lĩnh vực này.

    3.3. Khả năng truy cập

    Băng thông mạnh là một yêu cầu then chốt của hạ tầng số, tuy nhiên, không phải bất cứ ai hoặc từ vị trí nào cũng có được kết nối. Do đó, CĐS cần phải quan tâm đến mảng mobile (là kết nối 4/5G, là cung cấp trải nghiệm trên thiết bị di động) để bảo đảm việc dạy và học được xuyên suốt. Ngoài ra, các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa hoặc người học khiếm thị/khiếm thính cũng rất cần được lưu tâm.

    3.4. Huấn luyện và sử dụng

    Một trong những trở ngại lớn nhất của tiến trình CĐS là sự chậm trễ hoặc không thích ứng kịp thời với các thay đổi: giảng viên không sẵn sàng thay đổi phương pháp sư phạm, cán bộ không thích ứng với quy trình làm việc số… Sợ thay đổi là vấn đề muôn thuở, thay đổi trong thời đại công nghệ lại càng đáng sợ hơn vì sự thiếu hụt kiến thức/kỹ năng công nghệ, thiếu tự tin với quy trình số.

    Chính vì vậy, huấn luyện cách vận hành, sử dụng và tiếp cận công nghệ là chìa khóa tối quan trọng để vượt qua nỗi sợ đó. Các khóa huấn luyện cần đáp ứng riêng cho từng đối tượng, độ tuổi, cấp độ, nhóm tư duy; không nên gom chung tất cả vào cùng một khóa học, đặc biệt là với các trường không thuộc mảng công nghệ.

    4. Thảo luận và kết luận

    Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các thầy giáo, cô giáo ít nhiều đã trải qua việc sử dụng các phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft Team, Powerpoint hay email/web để dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, CĐS ở giáo dục đại học không đơn giản chỉ là dạy học trực tuyến. Đó là công nghệ hóa toàn bộ tiến trình dạy và học, là tự động hóa quy trình nghiệp vụ và quản lý, là mở rộng đối tượng, năng lực, phạm vi giảng dạy, là nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng công nghiệp…
     

    “Kỹ năng quan trọng nhất đối với người học là “học cách để học”. Chúng ta đã đi từ giai đoạn thiếu thốn thông tin đến thời đại bùng nổ kỹ thuật số, đi từ việc ngồi thâu đêm hàng tuần trong thư viện sang việc phân loại các kết quả tra cứu của google. Trong bối cảnh đó, thực hiện CĐS được xem là một hoạt động tất yếu để đáp ứng sự thay đổi, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo”.

    (PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM)

    Kỹ năng quan trọng nhất đối với người học là “học cách để học”. Chúng ta đã đi từ giai đoạn thiếu thốn thông tin đến thời đại bùng nổ kỹ thuật số, đi từ việc ngồi thâu đêm hàng tuần trong thư viện sang việc phân loại các kết quả tra cứu của google. Trong bối cảnh đó, thực hiện CĐS được xem là một hoạt động tất yếu để đáp ứng sự thay đổi, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo. Có mấy vấn đề cần trao đổi làm rõ hơn về thực hiện CĐS tại ĐHQG-HCM như:

    -    Nhận thức về chuyển đổi số như vậy đã đúng chưa?

    -    Đây có phải là cơ hội cuối cùng để ĐHQG-HCM tiên phong trong thực hiện CĐS?

    -    Chiến lược về CĐS có phải chỉ bao gồm 8 nội dung yêu cầu như đã đề cập hay còn những nội dung quan trọng khác?

    -    Nên bắt đầu thực hiện CĐS từ đâu? Thực hiện toàn diện hay ưu tiên?

    -    Nguồn lực để thực hiện CĐS? Chia sẻ nguồn lực trong hệ thống?

    PGS.TS Vũ Hải Quân

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    1.    Clark, E. “Digital Transformation: What Is It?” 02.2020

    2.    “Leading the digital-transformation of higher education”, ĐH Bang North Carolina, Hoa Kỳ.

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên