Chatbot Chatxam là sản phẩm dành riêng cho người lao động phố thông không có kỹ năng xây dựng hồ sơ xin việc cũng như không hiểu rõ về bản thân. Sản phẩm này có thể phân tích ưu/nhược điểm của người lao động để gợi ý công việc phù hợp.
Ý tưởng này của đội Infection (nhóm sinh viên năm IV, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM) vừa giành giải Nhì tại cuộc thi lập trình nhanh trong 30 giờ KMS Hackathon 2018 từ 14-15/7.
Thách thức 30 giờ
KMS Hackathon 2018 có 500 thí sinh đăng ký dự thi, bao gồm các lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, trưởng nhóm quản lý các dự án sản phẩm phần mềm tại Việt Nam và sinh viên các trường đại học.
Sau vòng loại, 27 đội được Ban tổ chức KMS Hackathon 2018 chọn vào vòng chung kết. Điểm đặc biệt của KMS Hackathon 2018 chính là đề thi chính thức được công bố 30 phút trước khi bắt đầu với yêu cầu: Tạo dựng sản phẩm phần mềm cho website hoặc mobile hoàn chỉnh lấy chủ đề giải quyết vấn đề thất nghiệp chỉ trong 30 giờ.
Bạn Lê Tử Khiêm - Trưởng nhóm Infection cho rằng đây là một điểm thú vị của kỳ thi Hackathon: “Bởi nếu biết đề, chuẩn bị trước thì mất hay, hơn nữa thất nghiệp là một vấn đề thực tiễn, cần được giải quyết”.
Bạn Ninh Văn Tú - thành viên của nhóm phân tích: “Vấn đề thất nghiệp không phải chỉ do một hay hai yếu tố gây nên mà là do vô vàn lý do khác nhau như định hướng sai ngành nghề, số lượng cung không đủ cầu (sức lao động) cho một công việc, khả năng của người lao động chưa đạt chuẩn… Vì thế sẽ có rất nhiều hướng để giải quyết như tạo ra việc làm, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp bằng cách nâng cao tri thức, mở những lớp đào tạo kỹ năng cho người lao động…”
Tuy nhiên, nạn thất nghiệp là một chủ đề rộng, nhiều góc nhìn. Khi đặt vào một cuộc thi chỉ diễn ra trong vòng 30 giờ thì mỗi đội phải phân tích và chọn một hướng đi độc đáo.
“Nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh vậy phải làm thế nào để đưa ra một biện pháp hữu hiệu nhất (mang tính ý tưởng) và có thể thực tế hóa (mang tính hiện thực) trong 30 giờ đồng hồ? Nhóm mình phải dành hơn ba giờ để thảo luận về vấn đề này” - Bạn Lê Tử Khiêm cho hay.
Cuối cùng, nhóm thống nhất tập trung vào lao động phổ thông, vì theo số liệu thống kê từ Google đây là thành phần có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Việt Nam.
Đơn giản với người dùng
Hướng đến lao động phổ thông do đó sản phẩm mà nhóm Infection đưa ra ngay từ đầu đã gắn với tiêu chí “đơn giản nhất có thể”.
Điều này khác với những website tìm việc làm hiện tại, ở đó yêu cầu người lao động phải có chút kiến thức về công nghệ thông tin hoặc hiểu rõ thế mạnh, kỹ năng của bản thân để tìm được việc làm.
Bạn Đào Tuấn An - thành viên của nhóm cho biết với chatbot Chatxam thì người lao động không biết nhiều về công nghệ thông tin hay ứng dụng số vẫn có thể sử dụng được: “Nhóm tập trung vào phần trải nghiệm người dùng, đơn giản hóa các quy trình, áp dụng một phần dữ liệu có sẵn trên Internet và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra những nhận xét, tư vấn về công việc cho những người lao động phổ thông”.
Cụ thể, khi người lao động sử dụng chatbot Chatxam đưa ra những thông tin của bản thân thì chatbot Chatxam sẽ tự động phân tích, và cung cấp những gợi ý việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, chatbot Chatxam cũng sẽ tư vấn cho người lao động phổ thông biết được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tìm kiếm việc làm phù hợp với tố chất.
“Để hoàn thành khối lượng công việc đó nhóm mình phải ‘cày’ liên tục đến 5g sáng. Trong quá trình này nhóm phải làm slide cũng như chuẩn bị tinh thần để trình bày trước ban giám khảo” - Trưởng nhóm Infection nhớ lại.
Tử Khiêm cũng chia sẻ thêm, KMS Hackathon 2018 sẽ chấm điểm trên nhiều tiêu chí như: khả năng tận dụng các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, xử lý ngôn ngữ tự nhiên chatbot, quy trình làm việc nhóm, tính sáng tạo, tiềm năng kinh doanh - ứng dụng. Việc nhóm giành giải Nhì là khá bất ngờ bởi 27 đội thi là những đối thủ xuất sắc.
Theo ban giám khảo cuộc thi này, chatbot Chatxam là dự án ứng dụng nhiều mô hình về AI để giải quyết bài toán với độ hoàn chỉnh cao chỉ trong thời gian 30 giờ.
Với việc giành giải Nhì tại KMS Hackathon 2018, nhóm Infection nhận được giải thưởng 2.000USD. Nhóm cũng cho biết thêm nếu chatbot Chatxam được cung cấp dữ liệu nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn thì sẽ trở thành một sản phẩm hữu dụng cho nhiều người, và giải quyết được phần nào nạn thất nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên “bội thu” giải thưởng Bên cạnh giải Nhì của nhóm Infection, tại Cuộc thi KMS Hackathon 2018 sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên còn giành thêm một giải Ba cùng hai giải Mentor Choice, Prospec dành cho sinh viên và sản phẩm được yêu thích nhất bình chọn trên Facebook. Cụ thể, nhóm Helios (Khoa Công nghệ Thông tin) cho ra mắt một diễn đàn chia sẻ thông tin hỗ trợ học sinh THPT trong việc lựa chọn ngành học, trường học với tên gọi "We know we share". Sản phẩm này đã giành ba giải thưởng tại KMS Hackathon 2018. Ông Trần Trọng Đại - Tổng Giám đốc công ty KMS Technology Việt Nam cho biết đây là sân chơi thực tế để các lập trình viên gặp gỡ, vận dụng công nghệ tạo ra những tác động có ý nghĩa tích cực cho xã hội. Đặc biệt, đây cũng có thể được xem là một bước luyện tập, cọ xát thực tế trước khi khởi nghiệp. |
ĐỨC LỘC (Bản tin ĐHQG-HCM số 189)
Hãy là người bình luận đầu tiên