Tên đề tài: Ẩn dụ ý niệm về hôn nhân, gia đình trong tiếng Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Vũ Hoàng Cúc
Người hướng dẫn khoa học:
1. GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp (Viện Ngôn ngữ học)
2. TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM - ĐHQG TP HCM)
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án
Luận án phân tích các ẩn dụ ý niệm (ADYN) về hôn nhân, gia đình trong tiếng Việt nhằm tìm hiểu cách tri nhận của người Việt về hôn nhân, gia đình. Để tiến hành việc nghiên cứu, luận án sử dụng lý thuyết ẩn dụ ý niệm và các khái niệm cơ bản khác của Ngôn ngữ học tri nhận để xác lập và phân tích sự ánh xạ từ các miền nguồn khác nhau đến các miền đích hôn nhân, gia đình. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, người Việt đã dùng các miền nguồn CUỘC HÀNH TRÌNH, SỰ KẾT HỢP, THỨC ĂN, VẬT CHỨA, SÔNG NƯỚC, HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, SINH THỂ, VẬT THỂ để khắc họa hôn nhân; các miền nguồn VẬT CHỨA, VẬT THỂ, THỰC VẬT để miêu tả gia đình; các miền nguồn VẬT THỂ, CON NGƯỜI, TÀI SẢN để ý niệm hóa vai trò của các thành viên trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Tổng số ADYN được tìm thấy là 36, trong đó có 14 ADYN có miền đích (MĐ) HÔN NHÂN, 5 ADYN có MĐ GIA ĐÌNH, 3 ADYN có MĐ CHA MẸ, 4 ADYN có MĐ (NGƯỜI) CHỒNG, 3 ADYN có MĐ (NGƯỜI) VỢ và 7 ADYN có MĐ CON CÁI. Các ADYN này thể hiện sự đa dạng trong cách nhìn của người Việt về hôn nhân, gia đình. Có ADYN cho thấy quan niệm truyền thống, có ADYN cho thấy quan niệm thời hiện đại của người Việt; có ADYN mang tính phổ quát, biểu hiện sự tương đồng tri nhận của người Việt với các dân tộc khác trên thế giới, lại có những ADYN chỉ ra rằng người Việt có cách nhìn rất riêng về hôn nhân, gia đình, cha mẹ, vợ chồng và con cái. Sự đa dạng trong cách tư duy, ý niệm hóa trên của người Việt bắt nguồn từ những kinh nghiệm mang tính nghiệm thân khác nhau với môi trường tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người dưới ảnh hưởng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
+ Những kết quả của luận án
1. Hệ thống hóa những vấn đề lý thuyết của ADYN và các khái niệm ngôn ngữ liên quan đến ADYN; các quan niệm về hôn nhân, gia đình của người Việt gắn với văn hoá phương Đông. 2. Khảo sát, tổng hợp ngữ liệu và nhận diện các ADYN, xác định mô hình ánh xạ của các ADYN về hôn nhân, gia đình của người Việt
3. Phân tích cơ chế ánh xạ từ miền nguồn đến miền đích của các ADYN về hôn nhân, gia đình. Đồng thời, phân tích, lý giải các quan niệm và đặc trưng văn hóa trong tư duy của người Việt về hôn nhân, gia đình.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn
- Về lí luận: Luận án góp phần củng cố năng lực giải thích của Ngôn ngữ học tri nhận, khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng lý thuyết ADYN vào nghiên cứu các ý niệm trong văn học cũng như trong đời sống.
- Về thực tiễn: Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về cách tư duy, quan niệm của người Việt về hôn nhân và gia đình trong tiếng Việt (trên cứ liệu văn xuôi hiện đại) từ góc nhìn của Ngôn ngữ học tri nhận. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy Ngôn ngữ học nói chung, Ngôn ngữ học tri nhận nói riêng; có thể áp dụng vào việc phân tích giảng văn theo cách tiếp cận của Ngôn ngữ học hiện đại.
+ Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
ADYN về hôn nhân, gia đình là một đề tài tương đối rộng, ngoài những ADYN mà chúng tôi trình bày, còn rất nhiều vấn đề cần phải được tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, chẳng hạn như so sánh một cách có hệ thống các ADYN về hôn nhân, gia đình của người Việt với nhiều dân tộc khác trên thế giới để thấy được một cách toàn diện sự tương đồng và khác biệt về văn hóa của người Việt với các dân tộc khác trên thế giới trong cách tư duy, ý niệm hóa hôn nhân, gia đình.
Hãy là người bình luận đầu tiên