Tin tức - Sự kiện

Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử - NCS. Phạm Thị Dinh

  • 05/08/2019
  • Tên luận văn: "Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử”

    Chuyên ngành: Triết học
    Mã số: 62.22.03.01  
    Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Dinh  
    Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Anh Quốc
                                                   TS. Phạm Đình Đạt
    Cơ sở đào tạo: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM
    1.Tóm tắt nội dung luận án     
    Là một trong những hình thái ý thức xã hội, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử không hình thành một cách ngẫu nhiên mà xuất phát từ điều kiện của xã hội Trung Quốc thời Xuân thu. Đó là thời kỳ quá độ chuyển từ chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến, mệnh lệnh thiên tử nhà Chu không còn được tuân thủ, trật tự thể chế xã hội bị đảo lộn; những giá trị tư tưởng, đạo đức của xã hội cũ bị băng hoại, nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức mới còn đang trên con đường xác lập; nạn chư hầu chiếm ngôi Thiên tử, đại phu lấn quyền chư hầu, tôi giết vua, con giết cha, em hại anh, vợ lìa chồng,… thường xuyên xảy ra. Các nước chư hầu đua nhau động binh gây chiến tranh thôn tính lẫn nhau hòng làm bá thiên hạ. Do chiến tranh giữa các nước liên tục xảy ra trên quy mô lớn, tích chất tàn khốc của nó đã làm cho đời sống nhân dân ngày càng cùng cực, lòng dân lo sợ, bất an trước thời cuộc. Thực trạng xã hội trên đã đặt ra một loạt những vấn đề bức xúc, buộc các nhà tư tưởng phải quan tâm, lý giải. Trong đó, nổi bật là vấn đề làm thế nào để có thể ổn định trật tự xã hội và giáo hóa đạo đức con người, đưa xã hội từ “loạn” trở thành “trị”, con người từ “vô đạo” trở thành “có đạo”, “bất nhân” trở thành “nhân nghĩa”. Chính trong bối cảnh đó, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử đã hình thành và phát triển.
    Ngoài ra, sự hình thành tư tưởng đạo đức của Khổng Tử còn dựa trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những tư tưởng về đạo đức luân lý trong các thư tịch và kinh điển của Trung Quốc cổ đại như tư tưởng thiên mệnh, thiên lý. Bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu để hình thành tư tưởng đạo đức của Khổng Tử đó chính là phẩm chất cá nhân của ông. Trong đó, phẩm chất cao cả nhất theo suốt cuộc đời Khổng Tử đó là luôn đề cao nhân đức, lấy đạo đức làm trọng, luôn quan tâm tới sự tồn vong của đất nước, thấu hiểu nỗi khổ cực của người dân,... đã hun đúc lên tư tưởng đạo đức của ông. 
    Tư tưởng đạo đức của Khổng Tử là tổng hợp các nội dung: tư tưởng về vai trò của đạo đức; tư tưởng về các quan hệ đạo đức và các chuẩn mực đạo đức cơ bản. Khổng Tử cho rằng, trong xã hội có năm mối quan hệ đạo đức cơ bản gọi là “ngũ luân”, gồm quan hệ vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè. Mỗi quan hệ có những tiêu chuẩn riêng cho từng đối tượng, như cha hiền, con thảo; anh tốt, em ngoan; chồng biết tình, vợ nghe lẽ phải; bề trên từ hiếu, bề dưới kính thuận; vua nhân từ, tôi trung thành. Vào thời mình, Khổng Tử đã đề cập đến những mối quan hệ và các tiêu chuẩn này, song ông nhấn mạnh nhiều hơn đến quan hệ vua tôi và cha con. Khổng Tử cũng cho rằng để thực hiện tốt các mối quan hệ đạo đức trên, con người cần phải lấy các chuẩn mực đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, dũng, hiếu, kính đễ để điều chỉnh hành vi của mình. Các chuẩn mực đạo đức này tồn tại trong mối tương quan sâu sắc lẫn nhau, trong đó, nhân được xem là trung tâm. 
    Bên cạnh đó, Khổng Tử cũng chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho con người. Ông đã đưa ra những phương pháp giáo dục đạo đức hết sức tích cực và tiến bộ như: Phương pháp chính danh, phương pháp tùy nghi thuyết giáo; phương pháp nêu gương; thống nhất giữa học với hành, giữa tri thức và cuộc sống,… Chính điều này đã làm cho Khổng Tử không những trở thành nhà tư tưởng kiệt xuất, mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại, người thầy của muôn đời.
    Những nội dung trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, nhìn một cách khái quát, nổi lên những đặc điểm chủ yếu sau: Một là, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử thể hiện sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị. Hai là, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử thể hiện tính thống nhất giữa ý thức cá nhân, gia đình và ý thức cộng đồng. Ba là, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử thể hiện tính mâu thuẫn giữa quan điểm tiến bộ với quan điểm bảo thủ, lạc hậu. 
    Với những nội dung và đặc điểm như trên, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử có những giá trị như: góp phần xây dựng một xã hội có trật tự kỷ cương, nền nếp từ trên xuống dưới, từ bản thân mỗi cá nhân đến gia đình và xã hội; đồng thời, hàm chứa giá trị nhân bản, nhân văn khá sâu sắc. Tuy nhiên, tư tưởng đó vẫn có những hạn chế nhất định, thể hiện quan điểm duy tâm, tiên nghiệm, phiến diện về lịch sử và còn mang dấu ấn đẳng cấp, danh phận. Song, nếu bỏ qua những hạn chế này, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử có ý nghĩa to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn.
    Về mặt lý luận, Khổng Tử không chỉ cống hiến cho nền học thuật Trung Hoa nói riêng và nhân loại nói chung một hệ thống các phạm trù đạo đức khá phong phú và sâu sắc, mà ông còn đưa ra phương pháp giáo dục đạo đức cho con người hết sức tích cực, tiến bộ. Đây chính là một đóng góp to lớn và quý báu vào sự hình thành, phát triển lý luận về tâm lý và lý luận về giáo dục trong lịch sử tư tưởng của nhân loại.
    Về mặt thực tiễn, tư tưởng đạo đức của Khổng Tử có ý nghĩa trong việc xác định rõ yêu cầu và trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ xã hội; góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của con người; đồng thời có ý nghĩa trong việc cai trị, quản lý xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống đạo đức xã hội ở một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam.
    2. Những kết quả mới của luận án
    Một là, trên cơ sở xã hội và tiền đề hình thành, phát triển tư tưởng đạo đức của Khổng Tử, luận án đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản và những đặc điểm chủ yếu trong tư tưởng đạo đức của ông một cách có hệ thống và sâu sắc hơn. Hai là, luận án đã phân tích, đánh giá, chỉ ra những giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử về mặt lý luận và thực tiễn, góp thêm một ý tưởng về mối liên hệ lịch sử và tầm ảnh hưởng của tư tưởng đạo đức Khổng Tử với lịch sử nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.
    3. Khả năng ứng dụng của luận án
    Việc nghiên cứu tư tưởng đạo đức của Khổng Tử một cách có hệ thống cả về nội dung, đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử của nó, giúp chúng ta thấy rõ vai trò to lớn trong tư tưởng đạo đức của Khổng Tử đối với việc xác định yêu cầu, trách nhiệm của mỗi người trong các mối quan hệ xã hội, góp phần điều chỉnh hành vi đạo đức của con người và cai trị, quản lý xã hội. Kết quả của luận án có thể làm tài liệu nghiên cứu cho việc tìm hiểu lịch sử triết học Trung Quốc nói chung, triết học Khổng Tử nói riêng; đồng thời, cũng có thể làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên