Tên đề tài: Ảnh hưởng môi trường của việc sử dụng nước tái sinh ngành chế biến mủ cao su đến tưới cây lâu năm
Chuyên ngành: Quản Lý Tài Nguyên & Môi Trường
Mã số chuyên ngành: 9850101
Họ và tên NCS: Đặng Vũ Xuân Huyên
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Nguyễn Phước Dân, 2. PGS.TS. Đặng Vũ Bích Hạnh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh
1. Mục tiêu của luận án:
Luận án này nhằm xác định giá trị tối đa của các thông số ô nhiễm trong nước thải chế biến mủ cao su tái sử dụng cho tưới cây cao su nhằm hạn chế tác động đến môi trường nguồn tiếp nhận. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra để đạt được mục tiêu chung bao gồm: Thứ nhất, đánh giá tiềm năng tái sinh nước thải chế biến mủ cao su sau xử lý. Thứ hai, đánh giá tác động của nước tái sinh tưới cây cao su đến môi trường đất, nước dưới đất và xử lý ô nhiễm từ nước tái sinh. Thứ ba, đề xuất quy định về chất lượng và các giải pháp tái sinh nước thải chế biến mủ cao su tưới cây cao su.
2. Đóng góp của luận án:
Nước thải sau xử lý và các chất dinh dưỡng đi theo nước thải (hay chất ô nhiễm theo thuật ngữ môi trường) là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, góp phần kiểm soát ô nhiễm nước thải. Dựa trên các quá trình chuyển hoá của đất, luận án trình bày các khía cạnh mới là mô hình thích hợp để tái sử dụng chất dinh dưỡng đi theo nước thải cho tưới cây cao su. Đóng góp của luận án được thể hiện trong vài điểm dưới đây:
Trước hết, tiềm năng tái sử dụng nguồn nước thải sau xử lý của ngành chế biến mủ cao su được đánh giá. Hàm lượng chất dinh dưỡng hữu cơ từ nước thải tái sinh được cây trồng và tầng đất mặt giữ lại, không gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và giá trị đầu tư hệ thống tái sử dụng cho thấy tính hiệu quả kinh tế và môi trường của mô hình tái sinh nước.
Thứ hai, khởi nguồn từ quá trình chuyển hoá chất dinh dưỡng trong đất, luận án đề xuất mô hình cột thấm quy mô phòng thí nghiệm và mô hình tưới quy mô pilot. Hiệu quả chuyển hoá chất dinh dưỡng thông qua chất ô nhiễm có trong nước thải trong quá trình tưới nước tái sinh thể hiện rõ theo độ sâu tầng đất. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi nồng độ chất ô nhiễm trong môi trường đất không bão hoà nước và nước ngầm đã được xác định. Các thông số như sa cấu đất, độ thấm và độ sâu địa tầng được xác định và đưa vào bộ thông số đầu vào cho mô hình lan truyền ô nhiễm. Mô hình MODFLOW được áp dụng, đã dự báo lan truyền ô nhiễm ứng với các giá trị, mức độ xử lý khác nhau của nguồn nước tái sinh và xác định vùng ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.
Cuối cùng, luận án đề xuất tiêu chuẩn, hướng dẫn quản lý nước thải chế biến mủ cao su tái sử dụng cho tưới cây và các yêu cầu kỹ thuật tưới nước tái sinh. Các yêu cầu này bao gồm vùng đệm, tải lượng tưới, các công trình lưu trữ, phương pháp tưới, an toàn, giám sát, và điều kiện thổ nhưỡng.
Hãy là người bình luận đầu tiên