PGS Chu Xuân Diên là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian và văn hóa Việt Nam. Trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu 51 năm của mình, ông đã dành phân nửa thời gian ấy (1986-2010) cho sự phát triển của Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.
Đón mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và sinh nhật lần thứ 90 của thầy, Bản tin ĐHQG-HCM xin giới thiệu bài viết của TS Lê Hồng Phong như một lời tri ân sâu sắc của nhiều thế hệ học trò kính gửi đến thầy.
Lần “khởi duyên”
Năm 1977, tôi vào học Trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội. Ở đó có đội ngũ nhà giáo rất hùng hậu, chỉ riêng bộ môn Văn học dân gian (VHDG) đã có nhiều nhà khoa học khả kính: Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Lê Chí Quế, Nguyễn Đình Bưu; có thêm thầy Nguyễn Hùng Vỹ vừa ở lại trường.
Môn VHDG Việt Nam là một trong những môn được học trong học kỳ đầu tiên. Giáo trình do thầy Đinh Gia Khánh và thầy Chu Xuân Diên viết, đã xuất bản và chúng tôi đã đọc nhưng chờ mãi không thấy hai thầy lên lớp. Thầy Quế dạy phần “Dẫn luận” và “Tự sự dân gian”, thầy Bưu dạy phần “Lời ăn tiếng nói” và “Trữ tình dân gian”. Thầy Nhơn dạy VHDG dân tộc thiểu số như một chuyên đề riêng.
Năm 1978-1979, khi khóa trước bảo vệ luận văn, tôi và bạn vào dự thính. Nghe nhìn các thầy nhận xét trong vai hướng dẫn, phản biện và ngồi ghế hội đồng thì mới biết kia là thầy Khánh, đây là thầy Diên. Thầy Diên ngồi đó, dáng thấp nhỏ hơn nhiều thầy khác, tôi vẫn nhớ lúc ấy thầy mặc chiếc áo màu xanh sẫm với nụ cười tươi ở tuổi trung niên. Vừa ở lại trường đã viết chung giáo trình với GS Đinh Gia Khánh, đến nay cơ bản vẫn đang được sử dụng thì ở Việt Nam chắc chỉ có thầy Chu Xuân Diên.
Mãi đến năm thứ tư, lớp Văn K22 chúng tôi mới được thầy Đinh Gia Khánh giảng chuyên đề “Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám” 30 tiết. Thầy Chu Xuân Diên giảng chuyên đề “Mối quan hệ văn học dân gian và văn học viết”. Hơn 40 năm trước, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên sớm nhận thấy vấn đề và đã đặt viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu sự tương tác giữa hai dòng văn học - một trong những đặc điểm quan trọng của nền văn học Việt Nam.
Nhìn ngắm thầy, học với thầy nhưng trò nhớ thầy chứ thầy làm sao mà nhớ hết bao nhiêu thế hệ học trò. Với hầu hết giảng viên đại học hồi ấy thì đa phần sinh viên chỉ đứng từ xa mà ngắm nhìn thôi... Tôi chưa hề nghĩ là một ngày nào đó mình đi vào Nam công tác và thầy cũng hành phương Nam. Gặp thầy là khởi duyên để rồi “tái duyên” làm một học trò thực thụ theo chuyên môn VHDG cho đến nay...
Đời sang trang mới
Tôi vào Đà Lạt đầu năm 1986, trên giấy tờ và con dấu tên trường chỉ có bốn chữ: Đại học Đà Lạt. Ban đầu tôi được giao môn khác nhưng sau chuyến đi điền dã vùng dân tộc Mạ, tôi đã làm đơn xin đổi sang chuyên môn mới là VHDG. Hiệu trưởng đã cho phép chuyển, vậy là đời sang trang mới…
Năm 1993, với sự thống nhất cao của Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM và Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, lớp cao học Văn học Việt Nam đầu tiên và duy nhất được mở tại ĐH Đà Lạt. Trường và Khoa đã cử GS Lê Đình Kỵ lên Đà Lạt hướng dẫn ôn tập môn Cơ sở (Lý luận văn học), PGS Chu Xuân Diên hướng dẫn môn Chuyên ngành (Văn học Việt Nam), ngoài ra còn môn Cơ bản (Triết học).
Ngoài ba mươi, tôi trong độ tuổi phải tham gia trung đội tự vệ mà Thành đội Đà Lạt đang triển khai huấn luyện. Thế là tôi “bữa đực bữa cái”, cố gắng đi hàng hai, rồi cũng đậu. Ngoài môn ôn thi đầu vào là VHDG Việt Nam (1993), thầy Chu Xuân Diên còn dạy chuyên đề Huyền thoại và văn học (1994), VHDG và phương pháp nghiên cứu liên ngành (1995). Với giọng ấm áp, ôn tồn, các lý thuyết khô khan vẫn được thầy truyền trao một cách mềm mại, dễ đi vào tâm trí các học viên lớn tuổi...
Chúng tôi còn được thọ giáo với những bậc đại thụ trong giới nghiên cứu văn học: Từ ĐH Sư Phạm Hà Nội có GS Nguyễn Đăng Mạnh và PGS Hoàng Hữu Yên; từ ĐH Sư Phạm TP.HCM có GS Lê Trí Viễn, GS.TSKH Lê Ngọc Trà và PGS Trần Hữu Tá; từ Viện KHXH tại Nam bộ là GS TS Nguyễn Văn Hạnh; từ ĐH Tổng Hợp TP.HCM có GS Hoàng Như Mai, GS Lê Đình Kỵ, GS Lương Duy Thứ, PGS Trần Thanh Đạm, PGS Mai Cao Chương, PGS Nguyễn Lộc và TS Huỳnh Như Phương; từ ĐH Đà Lạt có PGS.TS Lê Chí Dũng. Xin thành kính tri ân “thầy của thầy”…
Cuối 1995, TS Huỳnh Như Phương lên Đà Lạt “chốt hạ” bằng học phần: Vấn đề tiếp nhận văn học. Thay mặt Khoa, thầy Phương đã định hướng và tư vấn để chúng tôi đăng ký đề tài và giảng viên hướng dẫn. Tất nhiên tôi đăng ký và được làm luận án với sự hướng dẫn của thầy Chu Xuân Diên. Lúc ấy luận văn cao học còn gọi là luận án, bằng thạc sĩ phải trình thứ trưởng ký, chưa phân quyền như ngày nay... Hồi ấy chưa có máy tính riêng và điện thoại, không thể alo hay email. Học viên tự giác hoàn thành đúng tiến độ rồi mang bản thảo về TP.HCM nộp trực tiếp để thầy cho ý kiến và chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong khi viết lịch sử vấn đề, tôi đặt tiểu mục: Tình hình sưu tầm - nghiên cứu... Thầy tôi và Hội đồng vẫn chấp nhận dù không đúng quy cách trình bày...
“Có cách nói khác!”
Năm 1997, tôi và nhiều đồng nghiệp ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt về ĐHQG-HCM tham dự thi tuyển nghiên cứu sinh. Ngày 5/4/1998, khi thấy tôi băn khoăn về khái niệm “chức năng” của Prôp, thầy Chu Xuân Diên đã khuyên tôi “nên tìm hiểu kỹ công trình Những căn rễ… của Prôp, nên học tập Prôp theo một cách khác ”. Lời khuyên của thầy giúp tôi mạnh dạn công bố bài báo, để rồi sau đó, tôi cũng không áp dụng lý thuyết của Prôp vào đối tượng nghiên cứu trong luận án của mình.
Các chuyên đề tiến sĩ được giải quyết xong trước năm 2000, từ 2001-2002 tôi tập trung làm luận án tiến sĩ. PGS Chu Xuân Diên là cán bộ hướng dẫn 1 và TS Lê Văn Chưởng là cán bộ hướng dẫn 2. Khi viết lịch sử vấn đề, tôi hơi “nặng tay” nhận xét nhược điểm của người khác về vấn đề phân loại truyện cổ. Thầy không gạch đỏ như tôi quen làm mà chỉ nhẹ nhàng viết vào lề: “Có cách nói khác!”. Bài học ở đây thật lớn dù chỉ qua một chi tiết nhỏ. Kính thầy và học thầy nhưng không phải cái gì cũng học được, tôi không nhẹ nhàng được như thầy vì thói quen gạch xóa của mình...
Khi thầy góp ý cho một tiểu luận chuyên đề mang tính so sánh, thầy băn khoăn về một câu văn tôi viết dài, gồm loạt danh ngữ về motif cây. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ câu văn ấy. Khi biết chuyện, thầy chỉ hỏi nhỏ: “Vậy đã đăng rồi à?” Thầy cũng không nói gì thêm. Thầy rất cẩn trọng về từ ngữ nhưng vẫn tôn trọng sự mạnh dạn đề xuất ý kiến của học trò.
Tôi bảo vệ luận án ngày 27/2/2004. Trường ĐH KHXHNV ĐHQG-HCM đã thưởng cho tôi hai lần: Nộp luận án đúng hạn thì thưởng và bảo vệ xong lại thưởng. Ít trường làm được như thế. Cái đặc biệt của Khoa Ngữ văn - Báo chí và của Trường ĐH KHXHNV là ngoài hai phản biện thuộc chuyên môn VHDG, còn mời một nhà dân tộc học làm phản biện thứ ba vì đề tài luận án của tôi là về văn học dân tộc thiểu số. Cũng ít trường làm được như thế!
Ba lần và mãi mãi…
Năm 2006, PGS TSKH Nguyễn Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt mời PGS Chu Xuân Diên phản biện Đề án mở ngành Văn hóa học. Với kinh nghiệm của một Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian (Khoa Ngữ văn và Báo chí), Trưởng khoa Văn hóa học (Trường ĐH Văn Hiến), thầy đã góp nhiều ý kiến quý báu giúp Trường hoàn thiện chương trình để Bộ cho phép mở ngành.
Từ 2007-2013, ngay từ khóa đầu tiên, thầy Chu Xuân Diên là giáo sư thỉnh giảng cho ngành Văn hóa học của Trường ĐH Đà Lạt. Thầy đã dạy các giáo trình khác nhau: Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa dân gian, Những lý thuyết nhân học văn hóa. Tùy từng khóa mà thầy lên lớp một hoặc hai trong ba giáo trình đó.
Lúc này tôi quá bận bịu sự vụ, có lần chỉ tháp tùng thầy vào lớp, trân trọng giới thiệu thầy với các em rồi đi làm việc hành chính. Khi có giáo sư thỉnh giảng khác ở phòng bên cạnh thì tương đối an tâm. Khi chỉ một mình thầy ở nhà khách vắng hoe trong khuôn viên tĩnh lặng gần 40ha thì tôi hoặc một giảng viên trẻ lên ở cùng thầy. Đêm hôm thanh vắng, thầy lớn tuổi rồi, nếu cần gì thì biết gọi ai? Khi sắp vào tuổi 80 thì thầy không lên Đà Lạt nữa, dù thầy vẫn rất nhớ Đà Lạt...
Năm 2021, có dịp về TP.HCM, tôi cùng nhà giáo Nguyễn Ngọc Quang (nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí), TS La Mai Thi Gia (Trưởng Bô môn Văn hóa dân gian), TS Phan Xuân Viện (người hay chở thầy đi họp, đi hiệu sách) hẹn nhau đi thăm Đại sư Chu Xuân Diên. Thầy vẫn minh mẫn, tai hơi nặng một chút. Anh Quang và Thi Gia đã hướng dẫn thầy nhận ảnh qua Zalo. Nhìn thầy lướt điện thoại cười rất tươi, tôi đã chụp ảnh thầy và chụp với thầy. Các học trò của thầy ở TP.HCM vẫn thường quây quần bên thầy trong những dịp lễ tết...
Thầy hạnh phúc trong cuộc đời và sự nghiệp, cả trong đạo thầy trò. Chúng tôi hạnh phúc được làm học trò của thầy, anh em chúng tôi cũng có dịp gần gũi nhau hơn nhờ được chung thầy...
LÊ HỒNG PHONG
PGS Chu Xuân Diên sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên (1956-1959) ngành Ngữ văn tại Trường ĐH Tổng Hợp Hà Nội, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Từ năm 1986 đến năm 2000, ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng Hợp TP.HCM (hiện nay là Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM). Năm 2000, ông về hưu và chuyển sang làm việc ở Trường ĐH Văn Hiến với trách nhiệm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa. Năm 1984, ông được Nhà nước phong chức danh Phó Giáo sư Văn học. Tính đến năm 2010, PGS, Nhà giáo Ưu tú Chu Xuân Diên đã có 51 năm nghiên cứu, giảng dạy đại học và sau đại học; xuất bản 23 đầu sách (trong đó có 6 cuốn đứng tên riêng) về hai lĩnh vực chính: văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài báo khoa học và có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực dịch thuật. |
Hãy là người bình luận đầu tiên