Tin tổng hợp

Giáo dục thời 4.0 càng chú trọng yếu tố con người

  • 17/11/2018
  • Đó là nhận định của GS Vương Thanh Sơn - ĐH British Columbia, Canada tại Tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học 4.0: Cơ hội và thách thức” do Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức sáng 17/11.

    GS Vương Thanh Sơn phân tích về những ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền giáo dục Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HUY

    Tham dự chương trình có đông đảo quý thầy cô là lãnh đạo các phòng/ban, khoa/bộ môn và các đơn vị trực thuộc Trường; các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong và ngoài trường yêu mến GS. Vương Thanh Sơn và quan tâm chủ đề buổi nói chuyện.

    Tại buổi nói chuyện, GS Vương Thanh Sơn đã trình bày về các khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0”, “thời đại vạn vật kết nối” và “đại học 4.0”… và cung cấp cho người nghe cái nhìn tổng quan về những cuộc cách mạng 1.0, 2.0, 3.0, mô hình “hệ thống thực ảo” (Cyber Physical Systems - CPS)…

    Từ đó, GS Vương Thanh Sơn dẫn dắt người nghe đến những vấn đề như: Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động đến nền giáo dục đại học Việt Nam như thế nào? Tại sao giáo dục đại học cần thay đổi để bắt kịp xu hướng đó? Những thách thức nào mà nền giáo dục đại học 4.0 ở Việt Nam cần phải vượt qua?…

    Theo giáo sư, cách mạng công nghiệp 4.0 là một nền công nghiệp thông minh. “Thông minh không chỉ là khả năng có thể thực hiện hàng triệu phép tính trong thời gian rất ngắn mà còn là khả năng liên kết nhiều thứ với nhau” - GS Sơn đánh giá. 

    GS Vương Thanh Sơn chỏ ằng cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến nền giáo dục Việt Nam trên hai phương diện: (1) Nội dung giảng dạy và mô hình đào tạo, nghiên cứu. Nội dung hay đề cương giảng dạy sẽ được thay đổi trong thời đại IoT: sẽ có một số ngành mất đi và các ngành mới ra đời. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiếng Anh trong cuộc cách mạng này: “Về mô hình đào tạo trong đại học 4.0, đại học đào tạo theo hướng mở, phá bỏ giới hạn không gian và môi trường học tập. Người học có thể chủ động hơn trong việc tìm môi trường đào tạo để phù hợp với nhu cầu của bản thân”. 

    Giáo sư dẫn chứng mô hình ICH (Internerworking, Coputing Tools, Humans). Ông cho rằng yếu tố con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất vì suy cho cùng, tất cả chỉ để phục vụ cho nhu cầu của con người và hai yếu tố còn lại cũng chỉ được thực hiện nhờ vào con người. 

    “Áp dụng vào giáo dục, con người bao gồm người dạy và người học, cùng nhau tương tác, hỗ trợ qua lại để nghiên cứu, học tập nhờ vào ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0. Người học có thể chọn hình thức giáo dục trực tuyến, truy cập tài liệu học tập được lưu trữ phần lớn thông qua công cụ cá nhân hoặc tải qua mạng” - GS Vương Thanh Sơn nhấn mạnh. 

    Theo GS Vương Thanh Sơn, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là những công cụ thông minh tự động như robots, AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ thay thế con người ở một số ngành nghề trong tương lai. Tuy vậy, người thầy vẫn là yếu tố duy nhất và không thể thay thế bởi những sản phẩm công nghệ. Người thầy vẫn ưu việt hơn trên phương diện xử lý, nhất là những yếu tố liên quan đến cảm tính và văn hoá. 

    Giáo sư, tiến sĩ Vương Thanh Sơn đã nhận bằng Kỹ sư Điện của ĐH California State (Sacramento, Mỹ) vào năm 1973; bằng Thạc sĩ về Kỹ sư Hệ thống và Công nghệ Máy tính tại ĐH Carleton (Ottawa, Canada) vào năm 1977; và bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại ĐH Waterloo Canada vào năm 1982.

    Cũng tại ĐH Waterloo Canada, giáo sư Vương Thanh Sơn đồng thời là giảng viên trong hai năm 1981-1982. Từ năm 1983, Giáo sư đã nhận lời làm giáo sư dạy học và nghiên cứu tại ĐH British Columbia (TP. Vancouver, Canada). Tại đây, Giáo sư đồng sáng lập Nhóm Nghiên cứu Hệ thống Phân bố và sau đó giữ trách nhiệm Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm Mạng và Tính toán Internet (NICLab).

    Những năm gần đây, Giáo sư đặc biệt quan tâm nghiên cứu về “Internet of Things”, mạng Uniquitous, tính toán mạng lưới và P2P, tải Video P2P, an toàn mạng và nhất là tính toán mobile và học hỏi mobile (mobile learning).

    Giáo sư Vương Thanh Sơn đồng tác giả 01 bằng sáng chế tại Mỹ, đồng biên tập 03 quyển sách, gồm cả sách “Những tiến bộ gần đây trên hệ thống phân bố đa phương tiện” xuất bản năm 1999 bởi World Publisher.

    Giáo sư đã hướng dẫn đỡ đầu nghiên cứu luận án cho 80 sinh viên sau đại học và nghiên cứu sinh (Tiến sĩ và Thạc sĩ).

    Giáo sư cũng từng là đồng chủ nhiệm dự án với ngân khoản 30 triệu CAD thành lập một Mạng trung tâm ưu tú về Hệ thống toàn cầu và Công nghệ Phần mềm (GISST).
    Giáo sư đã phục vụ trong nhiều Hội đồng chương trình cho các hội thảo quốc tế và là đồng chủ tịch, tổ chức 21 hội nghị quy mô thế giới, phục vụ ở Ban Duyệt xét Đề án Nghiên cứu cho Hội Đồng Khoa học và Công Nghệ Canada trong khoảng thời gian 1999-2003.

    PHAN YÊN

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên