Tên đề tài: Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang hiện nay
Chuyên ngành: Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sừ
Mã số: 9.22.90.02
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Minh Hải
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Giá trị truyền thống dân tộc (GTTT) là một động lực nội sinh to lớn, một nền tảng vững chắc để một dân tộc tồn tại và phát triển. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc biết bao GTTT tốt đẹp. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…Nhờ sức mạnh tinh thần của những giá trị đó, nhân dân ta đã vượt qua biết bao thử thách khắc nghiệt, chiến thắng thiên tai, địch hoạ để tồn tại và phát triển như ngày nay. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trước hết là bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần cao đẹp đó.
An Giang là một trong những địa phương được khai phá sớm ở vùng đất Tây Nam Bộ, trải qua quá trình đấu tranh gian khổ và hy sinh chống chọi với thiên nhiên, với ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng đã hình thành nên những GTTT được thể hiện sâu sắc trong chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự cương dân tộc, tinh thần đoàn kết, tinh thần khoan dung nhân ái, tính cố kết cộng đồng. Người An Giang kế thừa truyền thống hào hùng của cha ông vượt khó khăn, gian khổ vào Nam mở cõi: phá rừng, đào kênh, khoét núi, biến những nơi khô cằn thành ruộng đồng màu mỡ, trù phú, là tỉnh nông nghiệp đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. An Giang tiếp giáp Campuchia có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, đường bộ và đường thủy, là cửa ngõ trục Đông – Tây thông thương giữa đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á, là một bộ phận quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, với sự phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi về du lịch cũng như các truyền thống văn hóa dân tộc, người An Giang được bồi đắp truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, năng động, hiếu khách, phóng khoáng, cởi mở và mềm dẻo trong ứng xử… Những GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang thời gian qua đã được người dân An Giang phát huy tạo nên sức mạnh để vượt qua khó khăn, trở ngại xây dựng tỉnh An Giang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, cùng với cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường; mặt trái của quá trình này đã làm cho một số GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang bị phai nhạt, mất gốc. Biểu hiện cụ thể như: một bộ phận xã hội, nhất là lớp trẻ ở An Giang chưa nhận thức đầy đủ mặt trái của hội nhập toàn cầu hoá và nền kinh tế thị trường, chỉ chú ý đến văn hoá hiện đại mà quên đi GTTT dân tộc, xem nhẹ tính kế thừa, dẫn đến làm lu mờ đánh mất GTTT; quay lưng lại với những GTTT tốt đẹp, kéo văn hoá tụt xuống mức dung tục, tầm thường; tạo ra những chướng ngại cho quá trình nâng cao mặt bằng dân trí; văn hoá với lối sống thực dụng phương Tây dần xâm chiếm giới trẻ, đề cao lối sống hưởng thụ, đẩy con người vào cô đơn, vô cảm, sống gấp, thờ ơ, vô trách nhiệm….gây ảnh hưởng to lớn đến vấn đề bảo tồn và phát huy các GTTT văn hoá dân tộc. Do đó, việc bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc Việt Nam nói chung và các địa phương trong cả nước nói riêng, đặc biệt là An Giang hiện nay là trách nhiệm nặng nề, cấp bách và có ý nghĩa to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân.
Sau khi dành chương 1 để phân tích lý luận chung về bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc Việt Nam; chương 2 của luận án đã tiến hành phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang, chỉ ra những thành tựu và hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy các GTTT dân tộc cũng như nguyên nhân của các thành tựu và hạn chế đó, những vấn đề nảy sinh trong quá trình bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc ở An Giang. Ở chương 3, luận án đã trình bày quan điểm, phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang trong thời gian tới.
2. Những kết quả mới của luận án
Thứ nhất: luận án làm rõ điều kiện, tiền đề hình thành các GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang.
Thứ hai: luận án góp phần đánh giá thực trạng, làm rõ những khó khăn, trở ngại và nguyên nhân của nó trong việc bảo tồn và phát huy các GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang hiện nay.
Thứ ba: luận án đề xuất các phương hướng và giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các GTTT dân tộc Việt Nam ở tỉnh An Giang hiện nay.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Những nghiên cứu, đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất những phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy GTTT dân tộc ở tỉnh An Giang hiện nay sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Kết quả nghiên cứu của luận án còn cung cấp tài liệu khoa học cho việc xây dựng chủ trương, chính sách trong lĩnh vực phát triển văn hóa dân tộc ở địa phương. Đồng thời, kết quả này cũng phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy các môn chính trị, triết học văn hóa, lịch sử văn hóa địa phương trong các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam.
Hãy là người bình luận đầu tiên