Tên luận án: Biến đổi văn hóa của dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa hiện nay
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 922.90.01
Họ và tên Nghiên cứu sinh: Đỗ Thị Cường
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Sự phát triển bền vững của mỗi dân tộc, quốc gia bao gồm các trụ cột cơ bản là bền vững về kinh tế, bền vững về chính trị - xã hội, bền vững về môi trường và bền vững về văn hóa. Cùng với kinh tế, chính trị - xã hội, phát triển văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Là quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống ở những địa hình đa dạng khác nhau, Việt Nam đã xây dựng một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mỗi cộng đồng dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Là một bộ phận cấu thành quan trọng trong sự đa dạng của nền văn hóa các dân tộc Việt Nam, dân tộc Ba Na với đặc trưng riêng về ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán, lễ nghi, sinh hoạt và tổ chức đời sống cộng đồng,... tạo nên vẻ đẹp đặc sắc trong bức tranh nền văn hóa dân tộc. Hiện nay, quá trình đô thị hóa và cùng với đó là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường, hội nhập và giao lưu quốc tế đang làm biến đổi mạnh mẽ văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na. Trong sự biến đổi đó, bên cạnh chiều hướng tích cực, tiến bộ, có cả chiều hướng tiêu cực, thoái hóa, đáng chú ý là nguy cơ phai nhạt, mai một, biến dạng văn hóa truyền thống. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, một mặt dưới tác động trực tiếp, mạnh mẽ từ đô thị hóa, văn hóa dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum có nhiều biến đổi, song sự biến đổi đó là cần thiết để hội nhập và phát triển trong một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của dân tộc Việt Nam. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong việc đánh giá thực trạng, chỉ ra những yếu tố tác động, xu hướng biến đổi văn hóa, đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa hiện nay, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững ở tỉnh Kon Tum nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Sau khi dành chương 1 hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về văn hóa, biến đổi văn hóa, trình bày các thành tố và biểu hiện của văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa. Luận án cũng khẳng định biến đổi văn hóa dân tộc Ba Na trong quá trình đô thị hóa ở tỉnh Kon Tum là một yêu cầu tất yếu khách quan và cần thiết để hội nhập và phát triển; chương 2 của luận án đã phân tích những yếu tố tác động, xu hướng biến đổi và thực trạng biến đổi văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Ở chương 3, xuất phát từ thực trạng luận án đề xuất những phương hướng, giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
2. Những kết quả mới của luận án
Một là, từ lý luận chung về văn hóa và biến đổi văn hóa, luận án góp phần làm rõ các vấn đề văn hóa dân tộc Ba Na trong quá trình đô thị hóa.
Hai là, phân tích thực trạng, chỉ ra những yếu tố tác động, xu hướng biến đổi, từ đó đề xuất những phương hướng, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum trong quá trình đô thị hóa phù hợp với sự phát triển xã hội.
3. Khả năng ứng dụng của luận án
Luận án góp phần cung cấp dữ liệu cho các nhà hoạch định chính sách, hướng tới xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum hiện nay, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại tỉnh Kon Tum. Luận án còn có giá trị tham khảo bổ ích phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về triết học xã hội, triết học văn hóa, văn hóa học, dân tộc học.... cho các cá nhân và tổ chức quan tâm lĩnh vực này.
Hãy là người bình luận đầu tiên