Tên đề tài: Biểu tượng Hòn Vọng Phu trong văn hóa Việt Nam và các nước Đông Á
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Âu Sĩ Kính
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đình Phức
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án
Biểu tượng Hòn Vọng Phu đại diện cho nỗi đau bi kịch tột cùng, ngợi ca đức tính cao đẹp của người phụ nữ trông chồng đến mức cơ thể hóa đá. Biểu tượng này phổ biến không chỉ trong văn hóa Việt Nam mà còn xuất hiện ở các nền văn hóa khác thuộc khu vực Đông Á, có mặt dưới dạng truyền thuyết, sáng tác văn học nghệ thuật, trở thành đề tài nghiên cứu được quan tâm rộng rãi. Đối tượng nghiên cứu của luận án này là biểu tượng Hòn Vọng Phu ở Việt Nam, thông qua Ký hiệu học văn hóa cùng hướng tiếp cận liên ngành, đặt trong so sánh đối chiếu với các nền văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, theo hai chiều lịch đại và đồng đại, nhằm làm rõ chất riêng của biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam. Biểu tượng Hòn Vọng Phu tồn tại trong ký ức văn hóa, xuất hiện muôn mặt trong đời sống xã hội, được lưu giữ dưới nhiều dạng tài liệu khác nhau. Luận án làm rõ ý niệm được ký thác vào vỏ vật chất của biểu tượng Hòn Vọng Phu, giải mã các tầng ý nghĩa, đồng thời tìm ra những ảnh hưởng từ sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, khẳng định giá trị riêng biệt của biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam.
+ Những kết quả của luận án
1. Giới thuyết và hệ thống hóa phương pháp nghiên cứu biểu tượng từ góc độ Văn hóa học, vận dụng hướng tiếp cận Cấu trúc - ký hiệu học, đặc biệt là hệ thống lý thuyết thuộc Trường phái ký hiệu học Tartu-Moscow.
2. Kết quả của luận án là một nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về biểu tượng Hòn Vọng Phu, góp phần giải mã các thành tố cơ bản nhất, nhằm hướng đến phân định những giá trị đặc sắc của biểu tượng này trong văn hóa Việt Nam.
3. Giới thiệu các điểm đặc trưng của biểu tượng Hòn Vọng Phu trong văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thông qua việc khảo cứu nhiều thể loại tài liệu khác nhau, tìm ra các hình thức tồn tại của biểu tượng Hòn Vọng Phu, nhận diện được kết cấu văn bản truyền thuyết, motif cơ bản, giải mã các tầng ý nghĩa và ý niệm được ký thác trong biểu tượng, bóc tách được những điểm biến đổi khi giao lưu văn hóa diễn ra trong từng nền văn hóa, cũng như mô thức tư duy của toàn nhân loại.
4. So sánh làm rõ đặc điểm, giá trị và vai trò của biểu tượng Hòn Vọng Phu trong từng nền văn hóa được chọn nghiên cứu. Từ đấy khẳng định tính độc lập và đặc thù riêng của các ý niệm văn hóa Việt, tính tự chủ sáng tạo và chọn lọc thông qua lăng kính văn hóa trong quá trình hội nhập và giao lưu tiếp biến văn hóa.
5. Nhận diện sức sống trường tồn và mạnh mẽ của biểu tượng Hòn Vọng Phu trong nhiều lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật khác nhau, cũng như các mặt của đời sống xã hội.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp nguồn tài liệu tổng hợp về biểu tượng Hòn Vọng Phu, bổ sung hướng tiếp cận mới nhằm phát triển phương pháp giải mã biểu tượng Hòn Vọng Phu nói riêng và các biểu tượng khác. Luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo hữu ích, thúc đẩy nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam, đóng góp thêm kinh nghiệm thực tiễn trong cách tiếp cận ký hiệu học trong việc giải mã biểu tượng, đặc biệt là Trường phái ký hiệu học Tartu-Moscow, cũng như một số hướng tiếp cận liên ngành khác.
Biểu tượng Hòn Vọng Phu không chỉ hiện diện tại Việt Nam và các quốc gia Đông Á, mà còn có thể tìm thấy rộng rãi ở nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia. Tuy luận án này chưa thể khảo cứu các khu vực khác ngoài phạm vi nghiên cứu, nhưng thực tế cho thấy với phạm vi và sức sống mạnh mẽ như vậy, càng củng cố thêm kết quả nghiên cứu của tác giả. Kết quả nghiên cứu này có thể làm cơ sở cho các nghiên cứu mở rộng trong tương lai.
Hãy là người bình luận đầu tiên