Chiều 26/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có buổi đến thăm và làm việc với ĐHQG-HCM. Bộ trưởng đã tham quan toà nhà hành chính Y.A1 của Khoa Y ĐHQG-HCM và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên Nhà điều hành ĐHQG-HCM.
Tham gia buổi làm việc còn có đồng chí Phan Thanh Bình - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đồng chí Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM…Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM đã nêu lên một số kiến nghị cụ thể của ĐHQG-HCM đối với Bộ GD&ĐT.
Về mặt quản trị và tổ chức
Về mặt quản trị và tổ chức, ĐHQG-HCM đề nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới về Đại học quốc gia (ĐHQG), Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo hướng: ĐHQG được xây dựng và ban hành quy chế đào tạo riêng, theo các chuẩn mực quốc tế, và ĐHQG được phê duyệt phương án tự chủ tài chính của các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc đại học quốc gia và báo cáo Bộ Tài chính.
Giám đốc ĐHQG-HCM cũng bày tỏ nguyện vọng Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương thành lập thêm 2 trường ĐH thành viên của ĐHQG-HCM gồm: Trường ĐH Khoa học sức khỏe trên cơ sở phát triển từ Khoa Y ĐHQG-HCM, Trường ĐH Công nghệ Môi trường trên cơ sở phát triển từ Viện Môi trường và Tài nguyên ĐHQG-HCM. PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết Khoa Y đã có 13 năm phát triển nhanh, bền vững và có những đóng góp cụ thể, với số lượng sinh viên tốt nghiệp là 582 bác sĩ, 46 dược sĩ.
Trước nhu cầu đào tạo ngành Y - Dược rất lớn, Trường ĐH Khoa học Sức khoẻ ĐHQG-HCM khi được thành lập sẽ không phải của riêng một địa phương cụ thể nào mà là của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bày tỏ quan điểm về kiến nghị trên, PGS.TS Phan Thanh Bình - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc ĐHQG-HCM, nhận định việc thành lập Trường ĐH Khoa học Sức khoẻ sẽ giúp phát huy và đẩy mạnh tính hoàn chỉnh của hệ thống, tính phối hợp liên ngành và xuyên ngành của ĐHQG-HCM.
Về kiến nghị thành lập thêm 2 trường đại học là thành viên của ĐHQG-HCM, cả Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đều ủng hộ về mặt chủ trương, chính sách. ĐHQG-HCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT ủng hộ chủ trương và đầu tư nâng cấp Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của ĐHQG-HCM thành Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục TP.HCM, hướng đến tầm khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng cho biết đã có 3 thông tư được ban hành liên quan đến hoạt động kiểm định, khi đầu tư và phát triển trung tâm phải đạt mục tiêu trở thành một trung tâm kiểm định mạnh. Hiện nay, khi chưa giải được bài toán về độc lập thì điều cần thực hiện là cùng nhau bàn về giải pháp đầu tư, phát triển thành trung tâm mạnh, uy tín.
Về mặt đào tạo
PGS.TS Vũ Hải Quân mong muốn Bộ GD&ĐT đồng ý để ĐHQG-HCM chủ trì, phối hợp với một số trường đại học trọng điểm thực hiện Đề án đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Mục tiêu là tăng gấp đôi số lượng kỹ sư CNTT trong 5 năm tới, từ 4.300 lên 10.000, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, dựa trên 3 đột phá:
(1) Đột phá về chính sách, cụ thể là quy chế quy định về tuyển sinh, về chỉ tiêu, về các điều kiện đảm bảo chất lượng;
(2) Đột phá về chương trình đào tạo: công nhận tín chỉ phổ thông - thu hút học sinh giỏi; công nhận các tín chỉ do doanh nghiệp đồng đào tạo - tăng kỹ năng thực tế; công nhận các tín chỉ đào tạo trực tuyến của các trường đại học (tăng cường khả năng tự học của sinh viên, tăng cường hợp tác chia sẻ giữa các trường đại học);
(3) Đột phá về hạ tầng số, trong đó bao gồm trung tâm dữ liệu và học liệu số, hệ thống LMS, MOOC… để khai thác tối đa ứng dụng chuyển đổi số trong việc nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo.
Về cấp đào tạo THPT, ĐHQG-HCM đề xuất cập nhật nội dung quy chế thi học sinh giỏi quốc gia theo hướng quy mô đội tuyển học sinh giỏi các môn của trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG-HCM là 10 học sinh/môn. Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết Bộ GD&ĐT đã có văn bản đồng ý chủ trương này kể từ kì thi năm 2011, 2012 và 2014.
Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng nêu một số kiến nghị liên quan tài chính, thi đua - khen thưởng và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng ĐHQG-HCM trở thành hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, là điểm kết nối giữa hai thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).
Hai nhiệm vụ do Bộ GD&ĐT đặt hàng
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD&ĐT vừa trình Thủ tướng chuẩn bị ban hành Chiến lược phát triển của ngành từ năm 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó lưu ý rất nhiều đến vai trò của 2 ĐHQG. Để thể hiện mạnh mẽ, cụ thể hơn tầm vóc và vị thế của hai ĐHQG trong thời gian tới, ông Nguyễn Kim Sơn đặt hàng hai nhiệm vụ.
(1) Hai ĐHQG cần phải lưu tâm hơn đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Xem đây là một nhiệm vụ lớn, coi nó là một đặc sắc về mặt đào tạo;
(2) Trong đào tạo nguồn nhân lực, hiện chúng ta có cơ cấu đa ngành. Hai ĐHQG có lợi thế về khoa học công nghệ rất lớn. Trong khi đó, dự báo trong thời gian tới nhu cầu về nhân lực công nghệ, kĩ thuật sẽ thiếu nhiều. Trong đầu tư, phát triển các đơn vị, hai ĐHQG cần có điểm nhấn đầu tư đặc biệt về mặt chất lượng dành cho vài ngành thuộc nhóm này.
Tổng kết buổi làm việc với Bộ trưởng, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết ĐHQG-HCM sẽ nhận các nhiệm vụ kể trên. Giám đốc ĐHQG-HCM cũng thông tin thêm rằng vừa qua ĐHQG-HCM đã chủ trì chương trình “Ươm mầm Tài năng Toán và Trí tuệ nhân tạo”, cũng như đã làm việc với hiệu trưởng và các thầy cô tại Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG-HCM và một số cơ sở giáo dục đại học của ĐHQG-HCM. Mục tiêu là làm sao mỗi năm có thể phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo từ 3 đến 5 nhân tài trẻ về toán học vào học tại ĐHQG-HCM.
Tin, ảnh, video: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên