Tên đề tài LATS: Các yếu tố tác động đến cầu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học
Mã số: 62310101
Họ tên NCS: Nguyễn Thị Diệu Hiền
Mã số NCS: N17702006
Người hướng dẫn khoa học: HDĐL: PGS. TS. Nguyễn Hồng Nga
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Luận án xác định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam, từ đó đề xuất các hàm ý chính sách tập trung vào các yếu tố này nhằm đẩy mạnh thu hút khách DLQT đến trong thời gian tới. Mô hình nghiên cứu được sử dụng bao gồm 01 biến phụ thuộc (TA) được sử dụng để đo lường cầu của khách DLQT đến Việt Nam và 10 biến độc lập bao gồm chỉ số giá tương đối của Việt Nam (lnCPv), thu nhập của khách du lịch (lnPGDPj), dân số của quốc gia khách du lịch (lnPOPj), mức độ ưu tiên dành cho du lịch của Việt Nam (lnPTTv), cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam (lnTSIv), tài nguyên văn hoá của Việt Nam (lnCRv), mức độ mở cửa thương mại của Việt Nam (lnTOv), chi phí di chuyển từ quốc gia xuất xứ đến Việt Nam (lnTC), nguồn vốn đầu từ cho du lịch của Việt Nam (lnINVv) và chính sách miễn thị thực dành cho du khách của Việt Nam (VISAv). Theo đó, 10 giả thuyết nghiên cứu được đặt ra với 09 giả thuyết được kỳ vọng có tác động tích cực đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam (lnCPv, lnPGDPv, lnPOPj, lnPTTv, lnTSIv, lnCRv, lnTOv, lnINVv, VISAv), 01 giả thuyết được kỳ vọng có tác động tiêu cực đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam (lnCPv). Dữ liệu được sử dụng trong luận án là các yếu tố được xác định trong mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2019 của Việt Nam và 29 quốc gia chiếm trên 95% lượng khách DLQT đến Việt Nam trong năm 2019 theo thống kê của Tổng cục Du lịch. Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính (phương pháp tổng hợp, phân tích, đánh giá và so sánh) và phương pháp nghiên cứu định lượng (các mô hình hồi quy tác động trung bình và hồi quy phân vị phân theo 2 nhóm là toàn bộ mẫu và phân theo thu nhập).
Kết quả nghiên cứu cho thấy tồn tại sự tương đồng khá lớn giữa các mô hình tác động trung bình và mô hình hôi quy phân vị cho toàn bộ mẫu cũng như khi chia nhóm phân theo thu nhập. Kết quả nghiên cứu phù hợp với các giả thuyết được đặt ra và kết quả của các nghiên cứu trước đó với hệ số tin cậy cao. Tuy nhiên, lại có sự khác biệt khá lớn về mối quan hệ cũng như mức độ tác động của từng yếu tố trong mô hình đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam khi xem xét các quan sát theo các nhóm thu nhập khác nhau.
Trên cơ sở kết quả của nghiên cứu này cùng với thực trạng ngành du lịch của Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2019, xu hướng phát triển của lĩnh vực du lịch trong thời gian tới và định hướng phát triển lĩnh vực du lịch Việt Nam, luận án đề xuất 02 nhóm hàm ý chính sách lớn bao gồm nhóm các hàm ý chính sách liên quan đến các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài có tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam nhằm thúc đẩy thu hút khách DLQT đến Việt Nam trong thời gian tới. Nhóm các hàm ý chính sách liên quan đến các yếu tố bên trong bao gồm việc hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển dành cho lĩnh vực du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý về du lịch. Trong khi đó, nhóm các hàm ý chính sách liên quan đến các yếu tố bên ngoài tập trung vào việc phát triển và đa dạng hoá thị trường khách du lịch, tăng cường xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch của Việt Nam.
2. Những kết quả mới của luận án
Dựa trên kết quả kết hợp cả nghiên cứu định lượng và định tính, luận án có những điểm mới như sau:
Thứ nhất, luận án làm rõ và bổ sung một số yếu tố tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam theo cách tiếp cận mở rộng lý thuyết về cầu và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bao gồm các yếu tố như giá tương đối, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, mức độ ưu tiên dành cho lĩnh vực du lịch, mức độ mở cửa thương mại, tài nguyên văn hoá, nguồn vốn đầu tư cho du lịch, chính sách miễn thị thực.
Thứ hai, luận án xem xét mức độ tác động của các yếu tố đối với các phân vị khác nhau của lượng khách DLQT đến Việt Nam.
Thứ ba, luận án xem xét mức độ tác động của các yếu tố đối với cầu của khách DLQT đến Việt Nam khi phân chia khách du lịch theo các quốc gia thuộc các nhóm thu nhập khác nhau.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Mặc dù luận án đã có những đóng góp khoa học về mặt lý thuyết và thực tiễn trong việc xác định và lượng hoá mức độ tác động của các yếu tố đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam trong giai đoạn 2007 – 2019 nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Chất lượng khoa học của luận án sẽ được cải thiện cả về mặt lý thuyết và thực tiễn nếu có thể khắc phục một số hạn chế cụ thể như sau:
Thứ nhất, bộ dữ liệu được sử dụng được trong luận án là dữ liệu theo năm có độ dài là 13 năm (từ năm 2007 đến năm 2019). Bộ dữ liệu này tồn tại hạn chế về độ dài vì lĩnh vực du lịch của Việt Nam được hình thành và phát triển qua một giai đoạn tương đối dài từ năm 1960 đến nay. Ngoài ra, tính mùa vụ là một trong những đặc điểm quan trọng trong du lịch, tuy nhiên bộ dữ liệu chưa thể khai thác số liệu theo quý, tháng hoặc ngày để có thể thấy rõ hơn tác động của yếu tố mùa vụ đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai nếu có điều kiện nên sử dụng bộ dữ liệu dài hơn với dạng dữ liệu theo quý, tháng hoặc ngày để có thể đánh giá một cách toàn diện hơn các yếu tố tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam, đặc biệt là ở khía cạnh mùa vụ.
Thứ hai, kết quả từ nhiều nghiên cứu trước chỉ ra rằng chi tiêu du khách mới là yếu tố phù hợp và hiệu quả nhất để đo lường và đánh giá nhu cầu du lịch. Tuy nhiên, do lý do khách quan về sự không đầy đủ của dữ liệu liên quan đến chi tiêu của du khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn nghiên nên luận án đã lựa chọn sử dụng chỉ tiêu lượt khách DLQT đến làm yếu tố đại diện cho cầu của khách DLQT đến Việt Nam. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai có thể cân nhắc sử dụng chi tiêu của khách DLQT đến làm đại lượng đo lường nhu cầu du lịch để có thể phản ánh một cách chính xác và trung thực hơn về mức độ tác động của các yếu tố đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam.
Thứ ba, luận án chỉ mới tập trung vào việc lượng hoá mức độ tác động của các yếu tố vĩ mô đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam mà chưa sử dụng các yếu tố ở cả tầm vi mô và vĩ mô. Thực tế đó làm cho kết quả nghiên cứu của luận án chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch và lữ hành của Việt Nam. Do đó, tác giả kỳ vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiếp tục khai thác các yếu tố cả vi mô và vĩ mô khi xem xét về các yếu tố tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam để có thể cung cấp các giải pháp hiệu quả và thiết thực hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực T&T.
Thứ tư, một số yếu tố khác bên ngoài mô hình nghiên cứu được đề xuất có thể có tác động đến cầu của khách DLQT đến việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu nhưng chưa được xem xét đến trong luận án (đại dịch Covid-19, vấn đề an toàn và an ninh ở Việt Nam, sự ổn định chính trị của Việt Nam, các nguồn tài nguyên tự nhiên mà Việt Nam sở hữu như đường bờ biển, các vùng biển đảo, thời tiết, …). Do đó, các nghiên cứu trong tương lai nên tiếp tục khai thác và đi sâu hơn vào những yếu tố này để có thể đưa ra các đánh giá chính xác và toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến cầu của khách DLQT đến Việt Nam.
Thứ năm, kết quả nghiên cứu định lượng của luận án chưa có điều kiện được thảo luận với các chuyên gia về mức độ tin cậy cũng như tính ứng dụng trong thực tiễn. Thực tế này có thể làm giảm hiệu quả của các giải pháp được đưa ra trong luận án do còn phụ thuộc nhiều vào nhận thức và đánh giá chủ quan của nghiên cứu sinh. Do đó, nghiên cứu sinh kỳ vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tiến hành đối chiếu kết quả nghiên cứu định lượng của luận án với ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực T&T để có thể đưa ra các giải pháp mang tính ứng dụng và thực tiễn cao hơn.
Hãy là người bình luận đầu tiên