Tên đề tài: Cách biểu đạt tình thái nhận thức tiếng Anh và tiếng Việt
Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9222024
Họ và tên nghiên cứu sinh: Hồ Văn Hận
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Hoàng Trung, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Trang
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Nghiên cứu tình thái nhận thức, luận án nhận định tình thái nhận thức là sự đánh giá mức độ hiện thực mà người nói cam kết về giá trị mệnh đề. Để giải quyết được vấn đề nghiên cứu, ngoài sử dụng lý thuyết nghĩa học-cú pháp học, luận án còn sử dụng thuyết tương đối, thuyết ngữ cảnh và văn hóa để so sánh và đối chiếu cách biểu đạt tình thái nhận thức tiếng Anh và tiếng Việt. Luận án khảo sát trên các nguồn cứ liệu như ANC American National Corpus, Collins’ Copora, Vietlex.com, một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, v.v. để tìm ra những cách biểu đạt tình thái nhận thức của hai ngôn ngữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy cách biểu đạt tình thái nhận thức tiếng Anh và tiếng Việt có nhiều đặc điểm tương đồng và khác biệt về vị trí cú pháp và nghĩa học. Từ kết quả nghiên cứu, luận án đóng góp nhiều giá trị về lý thuyết và thực tiễn và đưa ra ngụ ý giảng dạy và dịch thuật nghĩa tình thái nhận thức tiếng Anh và tiếng Việt.
+ Những kết quả của luận án
(1) Phát ngôn gồm hai thành phần: phần tình thái và phần mệnh đề. Trong đó, mệnh đề là thông tin cụ thể (phần tĩnh), còn tình thái là nghĩa của người nói (phần động). Qua nghiên cứu tình thái nhận thức, luận án cho thấy phần tình thái quyết định nội dung mệnh đề. Nội dung mệnh đề có trở nên hiện thực hay không, hiện thực ở mức độ nào nhiều lúc do tình thái quyết định. Cho nên, tình thái nói chung và tình thái nhận thức nói riêng thể hiện vị thế rất mạnh của người nói đối với mệnh đề. Tuy nhiên, bản thân nội dung mệnh đề có tính độc lập tương đối cho nên sẽ giúp người nói lựa chọn mức độ biểu đạt tình thái nhận thức phù hợp trong phạm vi tri thức của người nói. Nếu mệnh đề hiện thực thì người nói lựa chọn tình thái cam kết cao, và ngược lại nếu mệnh đề phi thực thì người nói lựa chọn tình thái cam kết thấp.
(2) Tính hữu chứng là đặc biệt quan trọng, có quan hệ bênh trong, mật thiết với tình thái nhận thức, là cánh tay đắc lực cho tình thái nhận thức, giúp người nói đánh dấu nguồn thông tin và giúp người nghe nhận biết tính hiện thực của mệnh đề đến mức độ nào. Ngoài ra, cũng giúp người nghe đánh giá tính hữu chứng được nói đến là do người nói phỏng đoán, suy luận, nghe thông báo lại, cảm nhận bằng giác quan hay do đánh dấu cú pháp, ngôi, v.v. mang lại. Vì lẽ tính hữu chứng vừa đánh dấu nghĩa dụng học, vừa thể hiện mục đích phát ngôn, và qua đó người nói cũng đồng thời thực hiện cam kết bằng đánh dấu tính hữu chứng. Nghĩa là người nói dựa vào tính hữu chứng để nêu ra mệnh đề hiện thực hay trên thang độ khả hữu.
(3) Đặc điểm quan trọng khác của tình thái nhận thức là tính chủ quan và khách quan. Cái “tôi” của người nói thể hiện rất rõ hoặc hàm ý cam kết cho những gì được nêu ra. Tính chủ quan và khách quan đã được ngôn ngữ quy ước nhất định, nên khi biểu đạt tính chủ quan thì người nói thường trực tiếp tham gia vào phát ngôn như “I think P/Tôi nghĩ P”, còn khi biểu đạt tính khách quan thì người nói gián tiếp tham gia vào phát ngôn như “As you know P/Anh biết đấy, P”. Khi đánh giá khách quan thì giá trị mệnh đề được cam kết cao hơn đánh giá chủ quan. Vì lẽ, khi người nói thiếu tính hữu chứng, họ thường dùng cách biểu đạt tính chủ quan.
(4) Bản chất của từ vựng, cú pháp cơ bản tồn tại ý nghĩa đánh giá hiện thực hay phi thực. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, vị từ tình thái “muốn” có ý nghĩa đánh giá phi thực, cấu trúc “Ai ngờ P” có ý nghĩa đánh giá hiện thực, và trong tiếng Anh vị từ tình thái “could” có ý nghĩ đánh giá phi thực, cấu trúc “I know that P” có ý nghĩa đánh giá hiện thực, v.v. Nói chung, trong hệ thống ngôn ngữ Anh và Việt đều tồn tại các phương tiện từ vựng, cú pháp dùng để biểu đạt tình thái nhận thức. Những phương tiện này đa số tập trung vào vị trí đầu phát ngôn (phần đề tình thái), riêng tiếng Việt tình thái nhận thức còn nằm ở vị trí cuối phát ngôn (phần thuyết tình thái). Trong tiếng Anh, các phương tiện từ vựng như vị từ tình thái, động từ tri giác, tính từ tình thái, trạng từ tình thái, danh từ tình thái hòa mình vào trong cấu trúc cố định (cấu trúc với vị từ tình thái, với động từ, tính từ, trạng từ, danh từ), kết hợp với “thì-thể” để biểu đạt tình thái nhận thức. Tiếng Việt cũng dùng các phương tiện từ vựng như vị từ tình thái, động từ tri giác, và quán ngữ tình thái hành chức như định ngữ câu hay (đề tình thái, thuyết tình thái) để biểu đạt ý nghĩa hiện thực hay phi thực, và thể hiện vị thế, quan điểm của người nói đối với mệnh đề.
(5) Nghiên cứu tình thái nhận thức, luận án thấy rằng dùng các lí thuyết như thuyết tương đối, thuyết ngữ cảnh và văn hóa để xem xét người nói đánh giá mệnh đề trên thang độ khả hữu là phù hợp nhất. Vì lẽ, đứng trước mệnh đề hiện thực mà người nói và người nghe đều biết như “She is a woman (Cô ấy là phụ nữ)”, thì liệu rằng người nói có cần thiết đánh dấu cam kết gì nữa không, hay hiển nhiên nó là luôn đúng mà người nói không có vai trò, trách nhiệm gì với phát ngôn đó? Do tình thái nhận thức có tính chủ quan rất mạnh, nó thể hiện vị thế kiến thức, niềm tin của con người về mệnh đề ở mức độ nào, cho nên trong tình huống này, người nói vẫn có trách nhiệm cho những gì nói ra, và “She is a woman (Cô ấy là phụ nữ)” là một đánh giá, cam kết hiện thực, chắc chắn cao về bản chất của “she” mà người nói muốn nói. Nếu người nói còn do dự, rào đón cẩn trọng hơn về giá trị mệnh đề, thì người nói sẽ đánh dấu bằng nhiều phương tiện khác nhau tùy vào ý định và mục tiêu của người nói như “I think she is a woman”, “She must be a woman”, I’m sure she is a woman”, v.v..
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
1. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần đề cao sự kết hợp giữa lý thuyết nghĩa học-cú pháp học, thuyết tương đối, thuyết ngữ cảnh và văn hóa vào nghiên cứu tình thái nhận thức.
2. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ giúp giảng dạy, dịch thuật những nét nghĩa tình thái nói chung và tình thái nhận thức nói riêng của tiếng Anh và tiếng Việt đầy thú vị và hiệu quả. Qua đó, giúp người học hiểu được nét đặc trưng văn hóa trong cách biểu đạt tình thái nhận thức giữa hai ngôn ngữ.
3. Vấn đề luận án chưa làm được, đó là ngữ điệu, và âm điệu biểu đạt tình thái nhận thức như thế nào. Đây cũng là định hướng nghiên cứu trong tương lai mà những người nghiên cứu cần tìm hiểu.
Hãy là người bình luận đầu tiên