Đó là nhận định của Giám đốc ĐHQG-HCM Vũ Hải Quân, tại Hội thảo khoa học Đánh giá Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, mã số KC-4.0/19-25, giai đoạn 2019 - 2023 và định hướng giai đoạn đến năm 2030.
Tham dự Hội thảo có ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25; GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25 và hơn 100 giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết sau 4 năm triển khai, Chương trình KC-4.0 đã chọn triển khai 74 nhiệm vụ trong số 500 đề xuất đăng ký. Tuy nhiên, chỉ có 4 đề tài được cấp cho các cơ sở giáo dục đại học phía Nam.
“Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ở TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung lại rất sôi nổi. Đơn cử, chỉ tính năm 2022, trong tốp 10 cơ sở giáo dục có công bố quốc tế lĩnh vực khoa học máy tính trong danh mục Scopus nhiều nhất, có đến 7 đơn vị thuộc các tỉnh phía Nam” - Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ.
Ông dẫn chứng thêm tổng kinh phí mà Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đã tài trợ cho các đề tài, dự án, học bổng… của ĐHQG-HCM trong 5 năm qua là khoảng 90 tỷ VNĐ, chiếm 11,25% trong tổng gần 800 tỷ mà VINIF đã tài trợ. Các nhà khoa học của ĐHQG-HCM cũng đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi về AI như: Giải Nhất cuộc thi AI City Challenge của NVIDIA tại CVPR 2022 và 2023; Giải Nhì về chẩn đoán phim X-quang phổi tại ICCV 2023; tốp 5 thế giới tại nhiều cuộc thi do các hiệp hội về AI tổ chức như CVPR, MICCAI, ICMR…
ĐHQG-HCM còn phối hợp TP.HCM tổ chức Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI Challenge) từ năm 2020 đến nay. Chỉ tính năm 2023, cuộc thi thu hút hơn 630 đội dự thi với trên 2.700 thí sinh (kể cả học sinh THPT).
PGS.TS Vũ Hải Quân nhận định: “Các cơ sở giáo dục đại học phía Nam đều vượt trội về năng lực nghiên cứu và công bố bài báo khoa học. Tôi mong rằng các thầy cô sẽ góp ý thẳng thắn để tìm ra giải pháp căn cơ, nhằm phát huy tiềm năng của các nhà khoa học phía Nam. Từ đó, nâng cao số lượng đề tài đăng ký Chương trình KC-4.0 ở các cơ sở giáo dục đại học phía Nam trong giai đoạn tới”.
Phiên toàn thể đã lắng nghe PGS.TS Doãn Ngọc San (Trường ĐH Dầu khí Việt Nam) trình bày về Hệ thống trí tuệ nhân tạo tích hợp dữ liệu địa chất dầu khí đánh giá triển vọng dầu khí, PGS.TS Nguyễn Thị Trang (Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ Y Tế) chia sẻ về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị một số bệnh di truyền hay gặp, PGS.TS Phạm Trần Vũ (Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM) nói về Hệ thống giám sát và dự báo, cảnh báo chất lượng không khí trên cơ sở thu thập, tích hợp dữ liệu đa nguồn, thí điểm cho một đô thị lớn.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm và đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình KC-4.0.
Tin, ảnh: THU TRANG
Hãy là người bình luận đầu tiên