Tên luận án: Cấu trúc địa chất bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc khu vực Tây Nam Việt Nam
Chuyên ngành: Kỹ thuật Địa chất
Mã số chuyên ngành: 62520501
Họ tên NCS: ĐÀO VIẾT CẢNH
Tập thể hướng dẫn : 1. TS. Phạm Huy Long
2. TS. Trần Anh Tú
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM
Mục tiêu nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, bao gồm địa tầng, kiến trúc và lịch sử tiến hóa kiến tạo của bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc khu vực Tây Nam Việt Nam để phục vụ cho công tác đánh giá chi tiết hệ thống dầu khí của bể.
Luận điểm bảo vệ
Luận điểm 1: Bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc khu vực Tây Nam Việt Nam gồm một đồng tụ (synthem) Dương Đông. Đồng tụ này được chia làm 3 tầng địa chấn từ dưới lên trên gồm: SQ3, SQ2 và SQ1, lần lượt tương ứng với các hệ tầng Rạch Giá tuổi Jura sớm - giữa (J1-2 rg), hệ tầng Thổ Chu tuổi Jura muộn - Creta sớm (J3 - K1 tc) và hệ tầng Hàm Ninh tuổi Creta muộn (K2 hn).
Luận điểm 2: Bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc phát triển trên cung núi lửa Chanthaburi, được tách giãn từ rìa tây khối lục địa Đông Dương, tuổi Carbon muộn - Trias. Bể đã trải qua chế độ kiến tạo giữa núi trong thời kỳ Jura sớm - giữa và sau cung trong thời kỳ Jura muộn - Creta. Vào Paleocen - Eocen, các đá trầm tích của bể bị nén ép, nâng lên và bóc mòn. Vào Oligocen - Miocen sớm, rìa tây nam của bể bị sụt lún mạnh mẽ, trong khi phần đông bắc bị nâng lên và tiếp tục bóc mòn. Vào Miocen giữa - Đệ Tứ, bể có chế độ kiến tạo sụt lún bình ổn với cơ chế biển tiến từ tây nam đến đông bắc.
Những điểm mới của Luận án
Lần đầu tiên xác lập đồng tụ (synthem) Dương Đông tuổi Mesozoi muộn.
Lần đầu tiên xác lập hệ tầng Rạch Giá tuổi Jura sớm - giữa.
Phần dưới của hệ tầng Thổ Chu đã được bắt gặp tại giếng khoan PQ-X. Hệ tầng Thổ Chu trước đây được xác lập tại Quần đảo Thổ Chu (khi đó chưa rõ các ranh giới trên và dưới) thực chất là một phần thuộc phần dưới của hệ tầng này. Các đá trầm tích lục nguyên trên đảo Phú Quốc và tại giếng khoan Enreca-2 đang được xếp vào hệ tầng Thổ Chu thuộc phần trên của hệ tầng này. Hệ tầng Thổ Chu đã được tổng hợp, liên kết và bổ sung mô tả đầy đủ hơn.
Hệ tầng Hàm Ninh được xác lập trước đây tại đảo Phú Quốc còn phân bố ở nếp lõm Tây Phú Quốc và nếp lõm Tây Thổ Chu.
Đã chính xác hóa: Ranh giới của bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc trong khu vực Tây Nam Việt Nam; Các đới uốn nếp lớn: nếp lõm Tây Thổ Chu, nếp lồi Thổ Chu và nếp lõm Tây Phú Quốc phương kinh tuyến; nếp lồi Nam Thổ Chu phương tây bắc - đông nam; Hệ thống đứt gãy nghịch phương kinh tuyến, đứt gãy trượt bằng trái phương tây bắc - đông nam, góc dốc lớn.
Đã làm sáng tỏ thêm đặc điểm thạch học, thạch địa hóa và địa hóa dầu khí của hệ tầng Hòn Chuối.
Đóng góp của đề tài về khoa học và thực tiễn:
Về mặt khoa học:
Việc xác lập phân vị địa tầng mới – “đồng tụ Dương Đông tuổi Mesozoi muộn khu vực Tây Nam Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết và thỏa mãn những yêu cầu khi mà các loại phân vị địa tầng khác chưa đáp ứng được ở khu vực này, qua đó, tạo nền tảng để liên kết các phân vị địa chấn địa tầng với các phân vị thạch địa tầng trong phạm vi đồng tụ Dương Đông, tạo cơ sở để xác lập hệ tầng mới – hệ tầng Rạch Giá tuổi Jura sớm - giữa (J1-2 rg), đồng thời, góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ địa tầng cũng như lịch sử phát triển kiến tạo bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc khu vực Tây Nam Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển kiến tạo khu vực Tây Nam Việt Nam giai đoạn Mesozoi muộn - Kainozoi.
Đóng góp thực tiễn:
Kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, bao gồm địa tầng (phân chia các phân vị địa tầng, đặc điểm và mối quan hệ giữa các phân vị địa tầng), kiến trúc (nếp uốn, đứt gãy) và lịch sử tiến hóa kiến tạo bể trầm tích Mesozoi muộn Phú Quốc khu vực Tây Nam Việt Nam, cùng với kết quả bước đầu đánh giá hệ thống dầu khí, góp phần quan trọng cho công tác đánh giá chi tiết hệ thống dầu khí của bể này.
Hãy là người bình luận đầu tiên