Tên luận án: Cơ sở lý luận xây dựng atlas các khu bảo tồn Việt Nam phục vụ phát triển bền vững
Chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Mã số: 9850101
Họ và tên nghiên cứu sinh: Văn Ngọc Trúc Phương
Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Minh Vĩnh, TS. Lê Đức Tuấn
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức các bên liên quan là vấn đề được quan tâm trong quản lý và thực tiễn bảo tồn. Trong đó, atlas là một kênh cung cấp thông tin được chú trọng sử dụng. Để mỗi atlas được xây dựng tối ưu, người thực hiện cần dựa trên cơ sở lý luận (CSLL) riêng. Hướng tới cung cấp thông tin không gian về hệ thống khu bảo tồn (KBT) Việt Nam cho các bên liên quan trong quản lý có sự tham gia, phục vụ phát triển bền vững, luận án đặt ra mục tiêu xây dựng CSLL vừa mang tính khoa học vừa đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật.
Nghiên cứu mang định hướng ứng dụng, sử dụng tiếp cận liên ngành để vận dụng tổng hợp kiến thức về KBT và atlas đề ra CSLL cho atlas các KBT Việt Nam. Tiếp cận hệ thống – cấu trúc được sử dụng để xem xét các hợp phần của atlas là các yếu tố có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành một chỉnh thể trọn vẹn, ổn định. Phương pháp phân tích – tổng hợp đã được sử dụng để đề xuất CSLL. Sau đó, phương pháp nghiên cứu thí điểm, phương pháp kế thừa, phương pháp thực nghiệm, phương pháp bản đồ - GIS đã được sử dụng để áp dụng CSLL đề xuất xây dựng web atlas cho một KBT cụ thể.
Kết quả nghiên cứu cho thấy CSLL đã được xây dựng trên cơ sở vận dụng tổng hợp tiếp cận hệ sinh thái – xã hội, pháp luật về quản lý hệ thống KBT rừng đặc dụng, giải pháp thể hiện nội dung bản đồ và công nghệ mới trong bản đồ và atlas. Tuy nhiên, với nguyên tắc lựa chọn công nghệ cho atlas, vẫn còn những vấn đề cần nghiên cứu thêm liên quan đến xác định tiêu chí và phương pháp đánh giá. Nghiên cứu cũng cho thấy CSLL đề xuất được là một khung chung. Web atlas thử nghiệm đã áp dụng khung chung này vào trường hợp cụ thể. Sản phẩm thử nghiệm tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng cũng đã cụ thể hóa CSLL đề xuất. Quá trình thử nghiệm cho thấy điều chỉnh cụ thể khi áp dụng CSLL cho từng KBT là cần thiết. Vì vậy, cần thử nghiệm thêm ở các chương khác cho VQG Cát Tiên cũng như tại các KBT khác để tiếp tục hoàn thiện khung chung này.
+ Những kết quả của luận án
1. CSLL để xây dựng atlas số các KBT rừng đặc dụng Việt Nam, gồm mô hình hệ sinh thái - xã hội KBT và 5 nguyên tắc: nguyên tắc xác định đối tượng sử dụng atlas, nguyên tắc xác định đặc điểm chung cho atlas, nguyên tắc xây dựng bản đồ đa tỉ lệ, nguyên tắc xác định cấu trúc nội dung atlas, và nguyên tắc lựa chọn công nghệ cho atlas.
2. Web atlas thử nghiệm tại vườn quốc gia Cát Tiên, gồm đặc điểm và yêu cầu của atlas, cấu trúc nội dung tổng quát cho 17 chương và cấu trúc nội dung của chương Giới thiệu chung và chương dịch vụ môi trường rừng. Web atlas thử nghiệm được xây dựng bằng công nghệ ESRI với 78 bản đồ tương tác minh họa cho cấu trúc nội dung chi tiết của 2 chương minh họa và giao diện với 4 module thể hiện toàn bộ cấu trúc nội dung tổng quát.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
CSLL xây dựng atlas là những căn cứ mang tính định hướng để xây dựng atlas các KBT góp phần nâng cao nhận thức các bên liên quan, hỗ trợ công tác quản lý KBT có sự tham gia. Sản phẩm thử nghiệm là một gợi ý giúp cung cấp thông tin cho các bên liên quan tại khu vực thí điểm. Các hướng nghiên cứu tiếp theo gồm (a) tiếp cận MapInfo Stratus để lựa chọn công nghệ thử nghiệm thuyết phục hơn và sử dụng ArcGIS Developer để hoàn thiện giao diện web atlas thử nghiệm; (b) tiếp tục phát triển sản phẩm thử nghiệm tại vườn quốc gia Cát Tiên hoặc thử nghiệm ở các vườn quốc gia khác để hoàn thiện CSLL đề xuất; (c) nghiên cứu đề xuất nguyên tắc lựa chọn công nghệ theo phương pháp chuyên gia, lựa chọn công nghệ liên quan đến vận hành atlas, kinh phí, bảo mật; vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu đa tỉ lệ; nguyên tắc xác định quy trình thu thập và tổ chức cơ sở dữ liệu; xây dựng web atlas với công nghệ mã nguồn mở… nhằm hoàn thiện công nghệ atlas.
Hãy là người bình luận đầu tiên