Sáng 21/11, ĐHQG-HCM phối hợp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học” tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.
Ban chỉ đạo của hội thảo gồm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, bà Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, và ông Trần Nam Tú - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi Trường, Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định các trường đại học tại Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong công bố quốc tế. Cách đây khoảng 10 năm, số lượng công bố quốc tế của nước ta còn khá khiêm tốn, các cơ sở giáo dục đại học chưa xuất hiện trong bảng xếp hạng thế giới. Trong vòng 5 năm gần đây, công bố trên các tạp chí uy tín toàn cầu của các trường đại học Việt Nam đã tăng hơn 3 lần, ngày càng nhiều trường được xếp hạng quốc tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng kết quả này cho thấy cộng đồng khoa học nước ta có năng lực công bố quốc tế tốt và giàu tiềm năng. Nếu có cơ chế chính sách đúng thì năng lực nghiên cứu của đội ngũ trong nước sẽ hội nhập được với thế giới.
Đáng chú ý, tạp chí của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã được nâng cấp thành tạp chí quốc tế trong danh mục hệ thống Scopus, do đó tất cả bài báo đăng trên tạp chí này đều là công bố quốc tế. Ngoài ra còn có 11 tạp chí của các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT đã gia nhập hệ thống trích dẫn ACI. Thứ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT đang hỗ trợ các dự án nâng cấp tạp chí khoa học trong nước.
Báo cáo tình hình hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT giai đoạn 2016-2021, Vụ trưởng Trần Nam Tú nêu một số vướng mắc trong cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ: nguồn ngân sách đầu tư còn rất hạn hẹp; cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách chưa hiệu quả; cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các trường đại học chưa hấp dẫn, hiệu quả; đầu tư nghiên cứu để tạo ra sản phẩm ứng dụng, chuyển giao, thương mại còn hạn chế.
Ông Tú kiến nghị các bộ, ngành rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành các hệ thống chính sách phù hợp, đồng bộ để thu hút đầu tư, đãi ngộ đội ngũ NCKH và chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ, tăng cường đầu tư tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học; rà soát, hoàn thiện cơ chế đầu tư, tài chính… Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài sản hình thành sau NCKH nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp.
Hội thảo lắng nghe 4 tham luận chính. TS Nguyễn Thị Hoàng Hạnh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN trình bày về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai gắn liền với tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ. Đại diện Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội giới thiệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong mạng lưới 26 trường đại học kỹ thuật - công nghệ Việt Nam và nêu một số giải pháp, kiến nghị từ bài học của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Các đại biểu của Trường ĐH Phenikaa (thành viên Tập đoàn Phenikaa) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đóng góp tham luận về việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và NCKH.
Tin, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên