Tên đề tài luận án tiến sĩ: Cuộc chiến đấu của quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ - Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của chính quyền Campuchia Dân chủ (1975 – 1979)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Huệ
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Minh Hồng, PGS.TS. Lưu Văn Quyết
Tn cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Tóm tắt nội dung luận án:
Trên cơ sở tổng quan những kết quả nghiên cứu đi trước, luận án sử dụng hai phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học lịch sử là phương pháp lịch sử và phương pháp logic, với nguồn tài liệu phong phú trong và ngoài nước, trong đó có nhiều nguồn tư liệu gốc; Luận án đã tập trung nghiên cứu mới về Cuộc chiến đấu của quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ - Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của chính quyền Campuchia Dân chủ (1975 – 1979). Cụ thể là:
Ở khía cạnh khoa học: Luận án minh định rõ về nguyên nhân, diễn biến quá trình cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ từ 1975 đến 1979; làm rõ kết quả ý nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân Tây Nam bộ trên chiến trường biên giới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Từ đó, góp phần làm sáng tỏ bản chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và nhận thức đúng đắn về thời kỳ lịch sử quan trọng này.
Ở khía cạnh thực tiễn: Luận án rút ra những bài học lịch sử quý báu trong công cuộc bảo vệ thành quả cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
2. Những kết quả nghiên cứu của luận án:
Luận án khẳng định cuộc chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ (1975-1979) là tất yếu nhằm chống lại những âm mưu thủ đoạn diệt chủng và gây chiến, xâm lược của Campuchia Dân chủ; để tự bảo vệ mình và giúp bạn Campuchia. Cụ thể qua các chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. Luận án trình bày một số thuật ngữ sử dụng trong đề tài và khái quát tình hình nghiên cứu ở trong và ngoài nước những vấn đề (được phân theo các nhóm vấn đề) liên quan đén đề tài luận án. Luận án đánh giá chung về các công trình nghiên cứu đi trước, làm cơ sở kế thừa và nghiên cứu tiếp tục những vấn đề còn chưa được nghiên cứu.
Chương 2: Quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ đối phó với sự xâm lấn khiêu khích của Campuchia Dân chủ (1975-1977). Luận án phân tích, minh chứng về: tình hình các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ sau năm 1975, bối cảnh lịch sử, âm mưu xâm lấn của chính quyền Campuchia Dân chủ; những nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết bằng con đường hòa bình các mẫu thuẫn, xung đột ở biên giới Tây Nam bộ.
Chương 3: Quá trình chiến đấu chống chính quyền Campuchia Dân chủ xâm lược ở các tỉnh biên giới Tây Nam bộ (1977-1979). Luận án nêu yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên các tỉnh biên giới Tây Nam bộ; trình bày rõ diễn tiến giai đoạn phối hợp lực lượng trừng trị quân xâm lược từ tháng 4/1977 đến tháng 12/1978. Đồng thời, luận án thể hiện cơ bản diễn tiến giai đoạn thực hiện phản công tự vệ và giúp bạn giải phóng Campuchia từ tháng 12/1978 đến tháng 01/1979.
Chương 4: Nhận định về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam bộ chống Campuchia Dân chủ xâm lược (1975-1979). Luận án khẳng định: cuộc chiến đấu của quân dân các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ là cuộc chiến đấu bắt buộc; cuộc chiến ấy đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và có giá trị ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam; cuộc chiến ấy có một số đặc điểm bài học kinh nghiệm cần thiết cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án chứng minh tính tất yếu của cuộc “chiến đấu bắt buộc” nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và mối quan hệ truyền thống vốn có từ lâu trong lịch sử giữa các địa phương hai bên Việt Nam và Campuchia. Từ đó, luận án góp phần bổ sung các nguồn tư liệu và luận điểm khoa học về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các tỉnh biên giới Tây Nam bộ, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử địa phương, lịch sử chiến tranh Việt Nam thời hiện đại.
Mặt khác, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy một số nội dung cần được nghiên cứu sâu hơn. Cụ thể là: (1) Trong chiến tranh biên giới Tây Nam bộ, vai trò của các nước lớn như thế nào?; (3) Mối quan hệ giữa chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc?; (4) Hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất diễn ra sau năm 1979 như thế nào?; (6) Hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Campuchia hồi sinh đất nước (1979-1979) gặp những khó khăn và thuận lợi nào?... Những nội dung này chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và công bố trong một thời gian thích hợp.
Hãy là người bình luận đầu tiên