Tên đề tài: Đa dạng hoá công ty và giá trị doanh nghiệp
Chuyên ngành: Tài chính - Ngân hàng
Mã số: 62340201
Họ tên NCS: Trần Thị Ngọc Quỳnh
Mã số NCS: 01640201005
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vương Đức Hoàng Quân
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
1. Tóm tắt luận án
Mục tiêu của luận án là tìm hiểu ảnh hưởng của mức độ đa dạng hoá sản phẩm lên giá trị doanh nghiệp theo bốn nhóm chiến lược: không đa dạng hoá, đa dạng hoá trọng yếu, đa dạng hoá liên quan và đa dạng hoá không liên quan. Vai trò điều tiết của cổ đông lớn nước ngoài và nhà nước lên mối quan hệ mức độ đa dạng hoá và giá trị doanh nghiệp theo chiến lược đa dạng hoá sản phẩm. Nghiên cứu xem xét liệu trong ba nhóm doanh nghiệp theo đuổi chiến lược hoá thì chiến lược đa dạng hoá sản phẩm nào mang về giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Luận án tách mẫu nghiên cứu thành bốn nhóm doanh nghiệp: không đa dạng hoá, đa dạng hoá trọng yếu, đa dạng hoá liên quan và đa dạng hoá không liên quan dựa theo tỷ số chuyên môn hoá Rs và tỷ số liên quan Rr của Rumelt (1982). Việc tách doanh nghiệp theo bốn nhóm chiến lược là cần thiết, vì bản thân chiến lược đa dạng hoá trọng yếu là khác biệt với chiến lược đa dạng hoá liên quan và không liên quan. Nghiên cứu sử dụng tỷ số chuyên môn hoá Rs để đo lường mức độ đa dạng hoá của doanh nghiệp không đa dạng hoá sản phẩm và doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm trọng yếu; tỷ số liên quan Rr để đo lường mức độ đa dạng hoá của doanh nghiệp đa dạng hoá liên quan và doanh nghiệp đa dạng hoá không liên quan. Nghiên cứu sử dụng hai thang đo để đo lường giá trị doanh nghiệp là: hệ số Tobin’s Q và tỷ số giá trị kinh tế gia tăng giảm giá điều chỉnh trên giá trị thị trường của doanh nghiệp (D-EVAadj_MV). D-EVAadj_MV đây là thang đo luận án đề xuất để đo lường giá trị doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi và cận biên.
2. Những kết quả mới của luận án
Nghiên cứu đã được một số kết quả quan trọng như sau:
(1) Nhóm doanh nghiệp không ĐDH: mức độ tập trung của doanh nghiệp tăng sẽ làm giảm giá trị của doanh nghiệp;
(2) Nhóm doanh nghiệp đa dạng hoá trọng yếu: mức độ đa dạng hoá trọng yếu tăng sẽ làm tăng giá trị của DN. Kết quả này ủng hộ quan điểm rằng nhóm doanh nghiệp đa dạng hoá trọng yếu với mức độ đa dạng hoá vừa phải, doanh nghiệp sẽ kiểm soát tốt vấn đề đại diện phát sinh trong quá trình đa dạng hoá, đồng thời DN khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, nên chiến lược đa dạng hoá trọng yếu là chiến lược đa dạng hoá thật sự mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp;
(3) Nhóm doanh nghiệp đa dạng hoá liên quan và doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm không liên quan: nhìn chung kết quả nghiên cứu cho thấy hai chiến lược này có xu hướng làm giá trị doanh nghiệp giảm khi mức độ đa dạng hoá liên quan và không liên quan tăng lên. Nguyên nhân cho việc giảm giá trị này là do vấn đề đại diện nghiêm trọng của doanh nghiệp đa dạng hoá liên quan và không liên quan. Mặc dù, doanh nghiệp đa dạng hoá không liên quan ở Việt Nam có lợi thế rất lớn từ thị trường vốn nội bộ, nhưng lợi ích từ lợi thế này không bù đắp được các chi phí phát sinh do chiến lược đa dạng hoá mang lại.
Kết quả nghiên cứu nhận thấy để chiến lược đa dạng hoá thực sự mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thì điều cần thiết là tìm ra cơ chế kiểm soát vấn đề đại diện trong các doanh nghiệp đa dạng hoá. Vì vậy, luận án đã khám phá vai trò của cổ đông lớn nước ngoài và nhà nước trong việc kiểm soát vấn đề đại diện trong các doanh nghiệp đa dạng hoá. Nghiên cứu sử dụng cổ đông lớn với các ngưỡng sở hữu lớn hơn 5% và 10%, kết quả nghiên cứu cũng có nhiều phát hiện đáng lưu ý:
(1) Cổ đông lớn nước ngoài: ở mức sở hữu từ 5% trở lên, nhìn chung nhà đầu tư nước ngoài chưa thật sự kiểm soát tốt vấn đề đại diện trong các doanh nghiệp ĐDH khi sử dụng tỷ số D-EVAadj_MV đo lường giá trị doanh nghiệp, mức độ đa dạng hoá liên quan và không liên quan tăng lên vẫn làm giá trị doanh nghiệp giảm, dù doanh nghiệp đã có mức sở hữu nước ngoài lớn hơn 5%. Nhưng ở mức sở hữu nước ngoài lớn hơn 10% thì nhà đầu tư nước ngoài đã làm tốt vai trò giám sát tích cực trong các doanh nghiệp đa dạng hoá, cụ thể chiến lược đa dạng hoá trọng yếu và ĐDH không liên quan làm gia tăng giá trị doanh nghiệp, và chiến lược ĐDH liên quan không còn làm giảm giá trị doanh nghiệp;
(2) Cổ đông lớn nhà nước: ngược lại với cổ đông lớn nước ngoài, cổ đông lớn nhà nước góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề đại diện trong các doanh nghiệp đa dạng hoá, khiến cho chiến lược đa dạng hoá gây tổn hại cho giá trị doanh nghiệp.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Mục tiêu của luận án là tìm hiểu mối quan hệ giữa mức độ đa dạng hoá và giá trị doanh nghiệp theo các nhóm doanh nghiệp đa dạng hoá được phân loại theo Rumelt (1982). Nghiên cứu khảo sát liệu sự thay đổi trong mức độ đa dạng hoá ảnh hưởng như thế nào đến giá trị doanh nghiệp, nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc tăng hay giảm giá trị của các doanh nghiệp đa dạng hoá. Nghiên cứu xem xét vai trò của cổ đông lớn nước ngoài và cổ đông lớn nhà nước trong các doanh nghiệp đa dạng hoá. Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiên cứu còn có những hạn chế sau:
Thứ nhất: nghiên cứu này chỉ mới quan sát vai trò của sở hữu nhà nước và sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp đa dạng hoá, trong đó cơ cấu sở hữu còn có nhiều hình thức sở hữu khác như, sở hữu tổ chức, sở hữu gia đình, sở hữu tập trung, … cũng có tác động rất lớn đến giá trị doanh nghiệp mà luận án này chưa xem xét. Vì vậy, các nghiên cứu tiếp theo có thể xem xét vai trò của các hình thức sở hữu khác ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp và vai trò của nó trong các doanh nghiệp đa dạng hoá, các nghiên cứu tiếp theo cũng có thể so sánh vai trò của nhiều hình thức sở hữu trong doanh nghiệp đa dạng hoá để có cái nhìn toàn diện về tầm quan trọng của cấu trúc sở hữu ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai: giai đoạn nghiên cứu của luận án từ năm 2009 đến năm 2020, giai đoạn nghiên cứu tuy khá dài nhưng trong giai đoạn này nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới không có quá nhiều biến động lớn, nên nghiên cứu chưa so sánh được giá trị của doanh nghiệp đa dạng hoá trong hai trường hợp là có khủng hoảng kinh tế và không có khủng hoảng kinh tế. Sau năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang trải qua đợt suy thoái trên toàn cầu vì hậu quả của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nên các nghiên cứu tiếp theo có thể tiến hành tìm hiểu mối quan hệ của mức độ đa hoá và giá trị doanh nghiệp trong hai giai đoạn trước và sau có suy thoái kinh tế, để có cái nhìn tổng quan hơn về lợi ích mà đa dạng hoá mang lại cho doanh nghiệp.
Hãy là người bình luận đầu tiên