Tên chuyên ngành: Đặc điểm ngôn ngữ của địa danh tỉnh Khánh Hòa
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Huỳnh Lê Chi Hải
Người hướng dẫn khoa học: TS. Huỳnh Bá Lân và PGS.TS. Trần Thủy Vịnh
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Nghiên cứu địa danh tỉnh Khánh Hòa trên các mặt: đặc điểm cấu tạo, phương thức định danh, đặc điểm ngữ nghĩa và sắc thái văn hóa địa phương của địa danh tỉnh Khánh Hòa. Luận án thống kê, mô tả và phân tích các cứ liệu để rút ra những nhận xét về mặt cấu tạo, phương thức định danh, nguồn gốc và ý nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên địa danh ở tỉnh Khánh Hòa. Luận án góp phần làm phong phú thêm những kiến thức địa danh học; đồng thời cung cấp bức tranh toàn cảnh về địa danh và những thông tin về các lĩnh vực địa lí, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư và văn hóa của vùng đất Khánh Hòa.
+ Những kết quả của luận án
Về mặt lý thuyết, nghiên cứu địa danh là một hướng nghiên cứu được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm. Ở nước ta, các nghiên cứu địa danh thường tập trung giải quyết những nội dung cụ thể ở một vùng lãnh thổ. Vì vậy, cùng với các nghiên cứu về địa danh ở các vùng lãnh thổ khác, việc nghiên cứu địa danh ở tỉnh Khánh Hòa sẽ góp phần hoàn thiện lý thuyết nghiên cứu địa danh trên phạm vi cả nước.
Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử của vùng đất Khánh Hòa, làm rõ những giá trị văn hóa của địa phương và phác thảo bức tranh tổng thể về địa danh tỉnh Khánh Hòa. Lần đầu tiên, bức tranh toàn cảnh về địa danh ở tỉnh Khánh Hòa được dựng lên một cách khái quát thông qua danh mục địa danh được thu thập, phân loại và trình bày có hệ thống với những đặc điểm cơ bản của nó về cấu tạo, nguồn gốc, ý nghĩa, các phương thức định danh và sự biến đổi.
Luận án cũng đã chỉ ra một số đặc điểm về sự hình thành, biến đổi và đặc trưng văn hóa trong địa danh tỉnh Khánh Hòa. Từ việc khảo sát những đặc điểm chính của địa danh ở tỉnh Khánh Hòa qua các thời kì, luận án góp phần làm rõ thêm nét đặc thù của địa danh ở tỉnh Khánh Hòa cũng như nét tương đồng trong phương thức định danh của địa danh vùng này so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Trong quá trình triển khai đề tài, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề vẫn tồn tại trong nghiên cứu địa danh ở tỉnh Khánh Hòa như một số đối tượng địa lí tồn tại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có tên gọi, hoặc có một số đối tượng địa lí đã có tên gọi và được sử dụng để giao tiếp trong cộng đồng nhưng vẫn chưa chính thức đi vào văn bản quản lý hành chính của Nhà nước.
Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng khác là những địa danh có nguồn gốc từ tiếng dân tộc thiểu số bị biến dạng qua thời gian và khó xác định được ý nghĩa chính xác. Sở dĩ vấn đề này tồn tại là do nhiều nguyên nhân, bao gồm những nguyên nhân thuộc về ngôn ngữ như: việc ghi chép tự dạng, phát âm địa phương, sự tiếp xúc ngôn ngữ,... Những nguyên nhân bên ngoài ngôn ngữ, như những yếu tố chính trị - xã hội, tâm lý cộng đồng,... Trong đó, nguyên nhân chính thuộc về tiếp xúc ngôn ngữ. Vì trên cùng một địa bàn ở tỉnh Khánh Hòa, có khá nhiều các dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Ở Khánh Hòa có đến 32 dân tộc cùng sinh sống; chẳng hạn ở địa bàn huyện Khánh Vĩnh có đến 15 dân tộc đang cùng sinh sống. Vì vậy để xác định chính xác nguồn gốc của địa danh thuộc dân tộc nào là một công việc không dễ dàng. Thêm vào đó, đa số các địa danh này đã bị Việt hóa nên không còn giữ cách phát âm như ban đầu. Vì vậy, việc tìm ra ý nghĩa của các địa danh này rất khó khăn, bởi lý do đặt tên ban đầu đã mờ nhạt và người dân chỉ sử dụng chúng theo thói quen để phân biệt các đối tượng địa lí.
Ngoài ra, những địa danh cổ, địa danh cũ dưới thời kỳ phong kiến có giá trị cao trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa truyền thống của địa phương nhưng đang có nguy cơ bị mai một và lãng quên.
Một số hướng nghiên cứu cho những vấn đề còn bỏ ngỏ như sau
Tiến hành khảo sát thống kê đầy đủ những đối tượng địa lí được người dân sử dụng trong giao tiếp nhưng chưa có tên chính thức trong các văn bản hành chính. Đề xuất cách đặt tên sao cho những địa danh này phù hợp với truyền thống văn hóa và ngôn ngữ của địa phương
Thu thập và bảo tồn các địa danh tiếng dân tộc thiểu số và các địa danh cũ đang có nguy cơ bị lãng quên. Trên cơ sở xác định nguồn gốc của các địa danh này để điều chỉnh lại các địa danh bị biến dạng hoặc sai lệch về âm hoặc chữ viết, từ đó nhận biết chính xác các giá trị phản ánh hiện thực của chúng.
Từ những kết quả nghiên cứu địa danh ở địa phương, chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có điều kiện đi sâu nghiên cứu, bổ sung ngữ liệu để hình thành cuốn Từ điển địa danh tỉnh Khánh Hòa.
Hãy là người bình luận đầu tiên