Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ của diễn ngôn chính luận tiếng Việt (so sánh với diễn ngôn chính luận tiếng Anh)
Ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã ngành: 9222024
Họ và tên NCS: Đặng Thị Bảo Dung
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trịnh Sâm, PGS.TS Nguyễn Văn Nở
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH &NV – ĐHQG HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án :
Áp dụng các khung lý thuyết về liên kết của Halliday và Hasan (1976) và ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday (2004), LA đã tiến hành phân tích đặc điểm ngôn ngữ của DNCL tiếng Việt về bố cục, bước thoại, liên kết, ẩn dụ ngữ pháp và một số trường từ vựng nổi bật. Tương tự, LA tiếp tục khảo sát, miêu tả một số vấn đề đã xác định trong DNCL tiếng Anh-Mỹ. Từ đó LA chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về một số phương diện trong hai hệ thống diễn ngôn.
+ Kết quả của luận án:
1. LA đã khái quát một số đặc điểm chung của DN nói chung và DNCL nói riêng như phong cách học, lý thuyết ngữ pháp văn bản, hệ thống cấu trúc và ngữ pháp chức năng hệ thống. Để tìm ra sự tương đồng và khác biệt, LA dựa vào một số đặc điểm cụ thể mà một văn bản DN phải có như bố cục, bước thoại, liên kết, ẩn dụ ngữ pháp và trường từ vựng.
2. Trong chương hai, LA đã miêu tả, phân tích và nhận xét các đặc điểm ngôn ngữ của DNCL tiếng Việt một cách tương đối rõ ràng.
3. Tương tự chương 2, chương 3 cũng đã miêu tả, phân tích và nhận xét các đặc điểm ngôn ngữ của DNCL tiếng Anh-Mỹ theo cùng khung lý thuyết đã sử dụng trong chương 2. Từ đó, so sánh, để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa DNCL tiếng Việt và tiếng Anh-Mỹ.
Nếu DNCL tiếng Anh-Mỹ chỉ có một loại bố cục phổ biến thì DNCL tiếng Việt có hai loại bố cục: dạng một gồm phần mở đầu, triển khai và kết luận , dạng hai ngoài những trường hợp đầy đủ các thành phần còn có những trường hợp khuyết mở đầu hoặc khuyết cả kết luận.
Trong bước thoại, các nhà chính trị hai nước, do bối cảnh lịch sử khác nhau và mục đích phát ngôn khác nhau nên đã sử dụng các chiến thuật khác nhau. Làm nên sự khác biệt này, có lẽ là do xuất phát từ đặc điểm ngữ vực, bao gồm trường, quan hệ và cả thức.
Về các phép liên kết, cả hai đã sử dụng tất cả các liên kết trong liên kết ngữ pháp và liên kết từ vựng. So với DNCL tiếng Anh-Mỹ thì các phép liên kết trong DNCL tiếng Việt ít hơn và từ ngữ sử dụng không đa dạng, phong phú bằng.
Hình thức ẩn dụ ngữ pháp trong DNCL tiếng Việt cũng tương tự như trong DNCL tiếng Anh-Mỹ. Tuy nhiên, về danh hóa từ động từ và tính từ trong tiếng Việt lại không đa dạng như trong tiếng Anh.
Cũng giống như DNCL tiếng Việt, chúng tôi đã xác định được một số trường từ vựng về các chủ đề quốc gia, đất nước, chính trị, các lĩnh vực, đảng phái, chế độ xã hội và chủng tộc trong DNCL Anh-Mỹ. Tuy nhiên, có một trường từ vựng xuất hiện trong DNCL tiếng Anh-Mỹ nhưng lại không có trong tiếng Việt, đó là trường từ vựng về tôn giáo. Nhìn chung, những điểm không tương đồng được tìm thấy trong DNCL tiếng Việt và tiếng Anh-Mỹ là do sự khác biệt về đặc điểm ngôn ngữ, bản sắc văn hóa và bối cảnh lịch sử.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả của LA này góp phần giúp cho những người làm công tác biên-phiên dịch chuyên ngành chính trị học, giảng viên và sinh viên tiếng Anh hiểu sâu hơn về đặc điểm ngôn ngữ trong DNCL tiếng Việt và tiếng Anh-Mỹ. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc sử dụng tài liệu trong công tác dạy và học tiếng Anh tại các Trường đại học.
Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng khung lý thuyết đã sử dụng trong LA để khảo sát các đối tượng DN khác như báo chí, văn chương…
Hãy là người bình luận đầu tiên