Tên luận án: Đặc điểm ngôn ngữ thể loại diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội trên báo Mỹ (có đối chiếu với bản dịch trên báo Việt)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu
Mã số: 9222024
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thanh Long
Người hướng dẫn khoa học: TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh, TS. Huỳnh Bá Lân
Tên cơ sở đào tạo: Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract)
Luận án giới thiệu một cách cô đọng và khái quát các vấn đề cơ bản về đặc điểm ngôn ngữ thể loại diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội trên báo Mỹ và đối chiếu với bản dịch trên báo Việt. Luận án chú trọng vào phân tích mô hình “Transframing” (dịch ngữ cảnh hóa) khi chuyển ngữ các diễn ngôn này từ ngôn ngữ nguồn (tiếng Anh) sang ngôn ngữ đích (tiếng Việt). Luận án sử dụng phương pháp miêu tả, thống kê, đối chiếu dựa trên ngữ liệu từ các báo Mỹ (The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal, Bloomberg, The Atlantic, The Hill) và bản dịch trên các báo Việt (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Tuổi trẻ cuối tuần, Vnexpress.net). Luận án nhận diện đặc điểm ngôn ngữ của các diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội trên báo Mỹ và của các bản dịch những diễn ngôn này trên báo Việt. Trên cơ sở đó, đề xuất mô hình viết các diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội cũng như mô hình xem xét chất lượng bản dịch diễn ngôn báo chí.
+ Những kết quả của luận án
(1) Luận án đã kế thừa và phát triển các nghiên cứu đi trước về diễn ngôn báo chí, dựa vào cơ sở lý thuyết của các nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài nước, đưa ra được bức tranh chung về các thể loại báo chí và tập trung vào thể loại bình luận kinh tế - xã hội. Luận án đã hệ thống lại các kết quả nghiên cứu về diễn ngôn báo chí một cách chi tiết, đưa ra được mô hình cấu trúc tiêu biểu của diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội trong các báo tiếng Anh của Mỹ, cung cấp nhiều thông tin thú vị về phân tích diễn ngôn báo chí theo thể loại cũng như các lý thuyết dịch thuật liên quan đến lĩnh vực báo chí, đặc biệt là vấn đề ngữ cảnh hóa và dịch ngữ cảnh hóa trong diễn ngôn báo chí. Luận án cũng đã đưa ra được một số nhận định cụ thể về đặc điểm ngôn ngữ của diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội và so sánh với bản dịch tiếng Việt, cho thấy một số tương đồng và khác biệt trong cách sử dụng ngôn ngữ trên báo Mỹ và báo Việt. Tuy chưa bao quát hết mọi khía cạnh liên quan đến bình diện cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng của diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội nhưng kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho việc dạy và học ngôn ngữ và dịch thuật nói chung và báo chí nói riêng.
(2) Qua khảo sát và phân tích ngữ liệu từ 136 diễn ngôn nguồn và diễn ngôn đích, chúng tôi nhận thấy các diễn ngôn bình luận trên báo Mỹ hầu hết tập trung phản ánh sự kiện, cái cốt lõi của diễn ngôn báo chí. Cách tổ chức nội dung và hình thức của diễn ngôn báo chí tuy cũng theo cơ chế chung của việc tạo lập diễn ngôn nhưng cũng mang nhiều nét độc đáo, góp phần tạo nên diện mạo riêng của diễn ngôn báo chí. Mặc dù các tờ báo có thể hiện một xu hướng nào đó mang tính chính trị trong các diễn ngôn bình luận của mình, song mục đích chính vẫn là đưa thông tin đến độc giả của mình và phục vụ họ một cách tốt nhất.
3. Thông qua phân tích các diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội trên báo Mỹ và bản dịch tiếng Việt trên báo Việt, luận án chỉ ra được sự tương đồng và dị biệt về cách biểu đạt nội dung thông tin của thể loại diễn ngôn bình luận trong tiếng Anh và tiếng Việt từ góc độ phân tích từ vựng, cú pháp và thể loại. Trên cơ sở đó, đề xuất các mô hình viết các diễn ngôn bình luận kinh tế - xã hội.
(4) Trên cơ sở kế thừa những lý thuyết về dịch thuật báo chí, luận án bước đầu chỉ ra chiến lược dịch ngữ cảnh hóa là một hướng đi cần được quan tâm nghiên cứu bởi việc dịch ngữ cảnh hóa không chỉ giải thích được cách một diễn ngôn báo chí được dịch sang một ngôn ngữ khác và lý do nằm sau phương pháp mà người dịch lựa chọn cũng như những ý định nằm sau những thông tin được dịch ngữ cảnh hóa mà còn góp phần vào việc nghiên cứu dịch thuật báo chí qua các đặc điểm của sự kiện thông tin, khác với các phương pháp dịch thuật thuần túy trong các nghiên cứu trước đây. Dịch ngữ cảnh hóa chắc chắn cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp những người có quan tâm hiểu hơn về bản dịch và đánh giá bản dịch.
(5) Luận án cũng đưa ra mô hình xem xét chất lượng bản dịch diễn ngôn báo chí. Mô hình này có thể cung cấp một công cụ hữu ích để đào tạo về dịch báo chí bằng cách hướng sự chú ý của người học đến các bối cảnh thực tế xã hội rộng lớn hơn với việc ngữ cảnh hóa vấn đề cụ thể thay vì chỉ tập trung vào các khía cạnh ngôn ngữ. Mô hình này là sự tích hợp của các nghiên cứu về ngữ cảnh hóa trong nghiên cứu dịch thuật báo chí và dịch tin tức. Hy vọng, mô hình này, ở một chừng mực nào đó, có thể trả lời cho các câu hỏi về cách dịch một diễn ngôn báo chí.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
1. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể mang lại những thông tin bổ ích trong giáo dục ngôn ngữ, làm tài liệu tham khảo để giảng dạy ngôn ngữ trong ngành truyền thông.
2. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng sẽ giúp ích cho việc giảng dạy chuyên ngành dịch, việc chuyển ngữ các diễn ngôn bình luận báo chí trong lĩnh vực kinh tế từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại.
3. Vấn đề luận án còn bỏ ngỏ, đó là chưa tập trung miêu tả các thuật ngữ được dùng trong diễn ngôn báo chí, đây là loại phương tiện biểu đạt có hiệu quả rất cao trong việc chuyển tải thông tin. Các đặc điểm chỉ được nêu khái quát, chưa có những khảo sát chi tiết từng diễn ngôn cụ thể. Để đánh giá chất lượng bản dịch, cần phải xem xét trên một loại hình báo chí (báo in hoặc báo trực tuyến), với một đối tượng người dịch riêng biệt. Đây cũng là định hướng nghiên cứu trong tương lai mà người nghiên cứu cần tiếp tục tìm hiểu.
Hãy là người bình luận đầu tiên