Tên luận án: Đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài Eleocharis dulcis (Burm.f.) Trin. ex Hensch (Năng ống) và Eleocharis dulcis var. tuberosa (Năng củ)
Ngành: Sinh thái học
Mã số ngành: 62 42 01 20
Họ tên nghiên cứu sinh: Đào Phú Quốc
Khóa đào tạo: 2014
Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Bửu Thạch và TS. Nguyễn Phi Ngà
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG-HCM
1. Tóm tắt luận án
Luận án “Đặc điểm sinh lý, sinh thái của loài Eleocharis dulcis (Burm.f.) Trin. ex Hensch (Năng ống) và Eleocharis dulcis var. tuberosa (Năng củ)” được thực hiện với mục tiêu tìm hiểu khả năng canh tác cây Năng củ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nội dung nghiên cứu bao gồm khảo sát khu vực phân bố cây Năng ống, ảnh hưởng mùa vụ, độ mặn, hạn và ngập đến sự tăng trưởng cây Năng ống và Năng củ. Nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận so sánh, bằng cách so sánh đặc điểm sinh lý, sinh thái của cây Năng củ và Năng ống. Kết quả khảo sát sự phân bố cây Năng ống tại khu vực ĐBSCL cho thấy Năng ống mọc tự nhiên chủ yếu tại các khu vực đất ngập nước có pH (3 - 5) và độ mặn <1‰. Năng ống không tạo củ trong điều kiện ngập nước. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy mùa vụ có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng ở cây Năng ống và Năng củ, nhưng Năng ống ít nhạy cảm với mùa vụ hơn. Mùa vụ có sinh khối cao nhất ở cả cây Năng ống và Năng củ là vụ ươm mầm vào tháng 4 và trồng vào tháng 5, thu hoạch cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Thời điểm không nên xuống giống từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Trong điều kiện ngập nước có độ mặn 4‰, 100% cây Năng củ chết sau 3 tuần, trong khi Năng ống chết hoàn toàn sau 4 tuần. Nghiên cứu thực nghiệm của stress hạn, mặn và ngập. Kết quả cho thấy, khi độ mặn tăng từ 0,5‰ lên 2‰ sinh khối khô giảm 59,8% ở Năng ống và 31,7% ở Năng củ; khi trồng cây trong môi trường cạn sinh khối khô giảm 94,4% ở Năng ống và 91,2% ở Năng củ; khi tăng độ ngập từ 10cm lên 60cm, 80cm, 100cm sinh khối khô giảm lần lượt 56,2%, 78,6%, 80,9% ở Năng ống và 37,3%, 71,6%, 75,3% ở Năng củ. Kết quả thực nghiệm ngoài đồng cho thấy có thể trồng cây Năng củ tại vùng ĐBSCL. Nghiên cứu về khả năng nảy mầm của quả Năng ống và Năng củ trong điều kiện thông thường cho thấy quả Năng ống nảy mầm, quả Năng củ không nảy mầm.
2. Những kết quả mới của luận án
Kết quả nghiên cứu khẳng định cây Năng củ phù hợp với khí hậu vùng ĐBSCL, với 3 vụ theo thứ tự năng suất từ cao đến thấp: (1) vụ hè thu; (2) vụ xuân hè; (3) vụ đông xuân. pH môi trường nước tối ưu khi canh tác cây Năng củ là lớn hơn 6, độ mặn trong nước <1‰. Phân tích tăng trưởng trong điều kiện thực nghiệm cho thấy hai giống Năng có cơ chế điều chỉnh về sinh lý, sinh thái khác nhau nhằm thích ứng với các điều kiện môi trường. Năng củ có xu hướng tích lũy sinh khối vào phần dưới mặt đất nhiều hơn, đồng thời điều chỉnh các hoạt động sinh lý hơn là các biến đổi về hình thái thân so với Năng ống. Dưới tác động của các loại stress môi trường có khả năng xảy ra thường xuyên ở vùng ĐBSCL là hạn, mặn và ngập sâu, Năng củ có khả năng duy trì tăng trưởng ổn định hơn Năng ống. Các kết quả nêu trên là cơ sở khoa học để canh tác cây Năng củ hiệu quả tại Đồng bằng sông Cửu Long.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Khả năng ứng dụng:
Kết quả nghiên cứu đã xuất bản thành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Năng củ. Quy trình canh tác đã được chuyển giao cho Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và đã được người dân triển khai canh tác tại huyện Tân Hưng tỉnh Long An.
Các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
Cần bổ sung các nghiên cứu trồng khảo nghiệm quy mô lớn qua nhiều năm để đánh giá rủi ro dịch bệnh, sâu hại. Cần nghiên cứu thêm về chế độ phân bón cho cây theo thời gian trồng, theo vùng đất để nâng cao năng suất cho cây Năng củ.
Hãy là người bình luận đầu tiên