Tên đề tài: Đánh giá phơi nhiễm bụi cá nhân và nguồn ảnh hưởng đến phơi nhiễm bụi cá nhân ở các nhóm dân cư có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau tại TPHCM
Chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Mã số: 62 85 0101
Họ tên nghiên cứu sinh: Vũ Xuân Đán
Khóa đào tạo: 2011-2014
Người hướng dẫn: PGS. TS Trương Thanh Cảnh, PGS. TS Đỗ Văn Dũng
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên
1. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN
Nghiên cứu đánh giá nguy cơ mắc các chứng bệnh hô hấp do tiếp xúc ô nhiễm không khí của các nhóm đối tượng có điều kiện KT-XH khác nhau tại TPHCM bằng phương pháp điều tra dịch tễ với nội dung điều tra về mức chi tiêu, nhận thức về môi trường, điều kiện nhà ở, sinh hoạt và các triệu chứng bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, phơi nhiễm bụi cá nhân PM2.5 và PM10 của 2 nhóm có điều kiện KT-XH thấp và nhóm có điều kiện KT-XH cao (32 hộ/ nhóm) được lấy bằng thiết bị lấy mẫu bụi cá nhân PEM (Personal Environmental Monitor, SKC) trong 24h. Phơi nhiễm bụi PM2.5 cá nhân của 2 nhóm đối tượng (80 mẫu, 40 mẫu/ nhóm) được phân tích nguyên tố bằng phương pháp phân tích kích hoạt neutron (INAA) và sử dụng phương pháp EPA PMF 5.0 để xác định nguồn gốc phát sinh bụi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm có điều kiện KT-XH thấp phải sinh sống trong các căn nhà có nguy cơ phát sinh bụi cao hơn nhóm có điều kiện KT-XH cao như nhà chưa kiên cố, sàn nhà chưa hoàn chỉnh, số lượng phòng ít, không có bếp riêng, điều kiện thông thoáng kém, mật độ người trong hộ cao, tỉ lệ người hút thuốc cao, thường xuyên đốt nhang thờ cúng và nhang muỗi. Nhóm có điều kiện KT-XH thấp ít có khả năng nhận ra những nguồn ô nhiễm chính để có biện pháp phòng tránh. Vì vậy, trẻ em trong gia đình có điều kiện KT-XH thấp có nguy cơ bị mắc các chứng bệnh hô hấp như sổ mũi, ho, viêm phế quản, viêm tai giữa cao hơn trẻ em trong gia đình có điều kiện KT-XH cao. Tương tự, người lớn trong gia đình có điều kiện KT-XH thấp có nguy cơ mắc các chứng bệnh hô hấp hơn người có điều kiện KT-XH cao. Các nguy ở người lớn là do các thói quen sinh hoạt (hút thuốc, ở gần đường giao thông…) và môi trường lao động.
Kết quả phơi nhiễm bụi PM10 và PM2.5 cá nhân trung bình cao hơn tiêu chuẩn QCVN 05/ 2013. Phơi nhiễm bụi cá nhân của nhóm người có điều kiện KT-XH thấp cao hơn nhóm có điều kiện KT-XH cao. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có sự khác biệt về các yếu tố quyết định phơi nhiễm. Nguồn gốc phát sinh phơi nhiễm bụi PM2.5 của nhóm người nghèo đa dạng hơn (5 nguồn) so với nhóm người không nghèo (3 nguồn).
Kết quả nghiên cứu cho thấy để giảm thiểu phơi nhiễm bụi cá nhân của người dân cần chú ý việc giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm do giao thông, công nghiệp, cải thiện điều kiện nhà ở và sinh hoạt, nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí.
2. KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN
Phơi nhiễm bụi cá nhân bị ảnh hưởng nhiều do điều kiện KT-XH, mặc dù các đối tượng sinh sống trong cùng một khu vực, nên cần chú ý việc sử dụng nồng độ bụi trong môi trường xung quanh để ước tính phơi nhiễm cá nhân. Bên cạnh đó, biện pháp giảm thiểu phơi nhiễm bụi cá nhân phải chú ý đến các nguồn phát sinh bên trong nhà và những biện pháp đơn giản nhưng đem lại nhiều hiệu quả như nâng cao nhận thức của người dân để nhận biết nguồn ô nhiễm từ đó có hành vi thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày
3. KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN
Kết quả nghiên cứu là bằng chứng khoa học cho việc xây dựng các biện pháp phòng tránh phơi nhiễm bụi và khi xây dựng chính sách xóa đói giảm nghèo bền vững cần chú ý những nội dung cải thiện điều kiện nhà ở, nâng cao nhận thức để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến người nghèo
Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa cho việc quan trắc môi trường không khí và nghiên cứu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe để có thể lượng giá những thiệt hại về kinh tế, sức khỏe để có những ưu tiên hành động. Việc phòng chống ô nhiễm không khí và cải thiện điều kiện sức khỏe là vấn đề đa ngành, cần sự hợp tác của nhiều ngành như tài nguyên môi trường, y tế, xây dựng, giáo dục và thể dục thể thao…
Hãy là người bình luận đầu tiên