Tên đề tài luận án: Đánh giá sự hiện diện một số kim loại nặng trong nghêu trắng Meretrix lyrate và môi trường sống của chúng
Chuyên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Mã số: 9850101
Họ tên nghiên cứu sinh: Trần Tuấn Việt
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Phước Dân, TS. Emilie Strady
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG.HCM
Tóm tắt luận án:
Khu vực ven biển cửa sông Soài Rạp thuộc hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai (SG-ĐN) nổi tiếng với sản phẩm nghêu Bến Tre (tên khoa học Meretrix lyrata). Tuy nhiên khu vực này đang phải đối diện với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường từ vùng đất liền theo dòng sông đổ ra cửa biển. Năm 2015, nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát sơ bộ sự hiện diện kim loại Cd, Pb, Cu, Zn trong trầm tích, nước sông, vật chất lơ lửng tại các vị trí trên sông SG-ĐN và trong nghêu, trầm tích, nước biển ven bờ, vật chất lơ lửng tại bãi nuôi nghêu Cần Thạnh và Tân Thành. Kết quả của nghiên cứu cho thấy có sự hiện diện kim loại nặng từ vùng thượng lưu ảnh hưởng tới môi trường và sinh vật vùng ven biển cửa sông SG-ĐN. Trong khảo sát sau đó, các kim loại Mn, Fe, Co, Ni, Cu, Zn, As, Se, Cd, Hg, và Pb trong nghêu M. lyrata và môi trường sống của chúng bao gồm nước mặt, vật chất lơ lửng, trầm tích và nước lỗ rỗng được phân tích để đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại trong môi trường cũng như mức độ tích lũy sinh học kim loại trong nghêu. Các mẫu được thu thập hàng tháng từ mùa khô, sang giao mùa và mùa mưa tương ứng từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2016. Kết quả tính toán chỉ số tích lũy sinh học từ trầm tích (BSAF) cho thấy các kim loại Pb, Mn, Fe và Co ít có khả năng tích lũy trong nghêu M. lyrata, trong khi BSAF của Cd đạt mức tích lũy cao nhất trong các kim loại. Hơn thế nữa, kết quả phân tích tương quan giữa hàm lượng kim loại trong nghêu M. lyrata (bao gồm mẫu nguyên con, mẫu mang, mẫu tuyến tiêu hóa và mẫu mô còn lại) với điều kiện thể chất cũng như hàm lượng kim loại trong các môi trường nước mặt, nước lỗ rỗng, trầm tích và đặc biệt là vật chất lơ lửng cho thấy khả năng ứng dụng loài nghêu này làm sinh vật quan trắc. Kết quả tính toán chỉ số độc hại đối với sức khỏe con người khi sử dụng loài nghêu này làm thực phẩm đều nằm trong mức an toàn cho thấy M. lyrata có thể sử dụng làm thực phẩm khi cân nhắc mức độ gậy độc của các kim loại tích lũy trong chúng.
Hãy là người bình luận đầu tiên