Chiều 30/11, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp” tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM. PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, và PGS Lum Sau Kim (Lâm Tú Cầm) - Phó Giám đốc ĐHQG Singapore (NUS), đã đến dự.
Tham dự hội thảo còn có đại diện các ban chức năng ĐHQG-HCM, cơ sở đào tạo thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM, đại biểu của NUS, ĐH Malaya (Malaysia), ĐH Deakin (Australia).
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho rằng trao đổi quốc tế ngày càng trở nên quan trọng đối với các đại học, nhằm tạo hành trang cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các chương trình trao đổi mang đến cho sinh viên cơ hội quý giá để mở rộng kiến văn, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng, phát triển các kỹ năng xuyên văn hóa (cross-cultural skills) thiết yếu để thành công trong thế giới đương đại.
“ĐHQG-HCM kiến tạo môi trường học tập quốc tế sôi động cho sinh viên, với quan điểm rằng trải nghiệm trao đổi quốc tế không chỉ là học tập tại nước ngoài mà còn là phát triển bản thân, hiểu biết văn hóa và trở thành công dân toàn cầu” - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ.
Theo đó, các trường thành viên ĐHQG-HCM trong những năm qua đã mở rộng mạng lưới đối tác trao đổi quốc tế, với trên 200 đại học tại hơn 30 quốc gia. Tuy nhiên, phải thừa nhận tỷ lệ sinh viên quốc tế đến ĐHQG-HCM vẫn còn thấp so với các đại học trong khu vực. Một số yếu tố tác động có thể kể đến như tài chính, rào cản ngôn ngữ, nhận thức về cơ hội học tập ở nước ngoài còn hạn chế…
“ĐHQG-HCM vinh dự khi NUS, ĐH Malaya, ĐH Deakin nhận lời mời tham dự hội thảo, đây là 3 đại học giàu kinh nghiệm về giáo dục quốc tế, đặc biệt là các chương trình trao đổi sinh viên” - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm nói.
Hội thảo đã lắng nghe 6 tham luận của Ban Đối ngoại và Phát triển dự án ĐHQG-HCM, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, NUS, ĐH Malaya và ĐH Deakin. Nội dung thảo luận xoay quanh hai nhóm đối tượng là sinh viên nước sở tại trao đổi sang nước khác và sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Một số kiến nghị về việc tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên tại ĐHQG-HCM như: tìm thêm hỗ trợ tài chính; thành lập đội hỗ trợ hoạt động trao đổi sinh viên trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM; đẩy mạnh thực tập ngắn hạn có lương; tăng cường chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại ĐHQG-HCM; mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế; tạo website thông tin cho sinh viên quốc tế về vấn đề thị thực nhập cảnh, quá trình nhập học, chi phí sinh hoạt…; tham gia các tổ chức trao đổi sinh viên hoặc thực tập quốc tế (ISEP, ACTS, UMAP…); kết nối với tổ chức đại diện các quốc gia (NAWA, DAAD, USAID…) để tạo cơ hội thực tập cho sinh viên quốc tế…
Tin, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên