Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân tại tọa đàm về Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (Đề án 89). Tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, đồng chủ trì được tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 7/3.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, thời gian qua, đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, và nhu cầu về khoa học công nghệ.
Các quốc gia trên thế giới nhìn nhận một đại học trở thành một đại học nghiên cứu tầm thế giới, ít nhất về số lượng đào tạo tiến sĩ phải ngang bằng đào tạo cử nhân. Vài chục năm nữa nếu giữ quy mô đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) như hiện nay, chúng ta khó có thể vươn tầm thế giới. NCS mới là những người thực sự làm nghiên cứu trong các trường đại học, là máy cái sinh ra các công trình khoa học.
Ông Quân cho rằng đột phá trước hết là ở chương trình đào tạo phải tiên tiến; đồng thời cải cách mô hình tổ chức thực hiện.
Ông Quân cũng đặt vấn đề tại sao ĐHQG-HCM tham gia ít trong Đề án 89 và yêu cầu Ban Đào tạo sau tọa đàm sẽ tham mưu Ban Giám đốc ĐHQG-HCM về cách thức tham gia sâu, rộng đề án này.
“Đây là cơ hội rất lớn để phát triển và đào tạo tiến sĩ. Nếu không nắm bắt được cơ hội này chúng ta chỉ có thể tự trách mình” - PGS.TS Vũ Hải Quân khẳng định.
Tọa đàm đã lắng nghe báo cáo Hướng dẫn triển khai Đề án 89 của bà Cao Thị Thanh Mai - Chuyên viên Cao cấp Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT và thảo luận về những khó khăn của các trường thành viên khi tham gia Đề án 89.
Đề án 89 do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học. Mục tiêu cụ thể của đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học. Trong đó, 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp các đại học nước ngoài.
Tin, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên