Khoa học công nghệ

Đem thư viện đến với học sinh vùng núi

  • 08/09/2021
  • Đầu tháng 9, nhóm sinh viên năm IV ngành Kiến trúc, khoa Kỹ thuật xây dựng - Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM với dự án thiết kế “Mật ngọt - Thư viện cho trẻ em vùng núi” đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Nghiên cứu khoa học INSEE PRIZE 2021”.

    Dự án nhằm tạo dựng một không gian học tập lý tưởng cho trẻ em vùng núi tại tỉnh Ninh Thuận.

    Ba thành viên của nhóm dự án “Mật ngọt - Thư viện cho trẻ em vùng núi”. Ảnh: NVCC

    Mất 4 tháng tìm vật liệu và thiết kế

    Thành viên của dự án gồm: Nguyễn Hoàng Phước, Phan Đình Tuấn và Hoàng Minh Quân. Cả ba bắt đầu dự án từ ý tưởng làm bài tập lớn môn “Môi trường và Kiến trúc bền vững” với yêu cầu thiết kế dự án nhằm giải quyết một vấn đề cộng đồng.

    Tình cờ quen biết và được thầy Lê Văn Tuấn - Giáo viên Trường Tiểu học Phước Tân A, huyện Bác Ái, Ninh Thuận - giới thiệu, Hoàng Phước biết được các học sinh tại đây đang thiếu một không gian sinh hoạt chung và gặp nhiều khó khăn trong việc học. Phước đã cùng bạn mình thực hiện dự án “Mật Ngọt - Thư viện cho trẻ em vùng núi”.

    Hoàng Phước - Trưởng nhóm dự án “Mật ngọt” - cho biết: “Là một người con của Ninh Thuận, mình hiểu rõ những khó khăn của quê nhà. Lúc nào mình cũng canh cánh trong lòng một niềm khao khát là đem những điều mình học được về phục vụ quê hương”.

    Quá trình lên ý tưởng và thực hiện dự án “Mật ngọt” kéo dài 4 tháng để khảo sát địa bàn, tìm hiểu nguyên vật liệu, hoàn chỉnh thiết kế và thử nghiệm. Theo Hoàng Phước, tìm vật liệu phù hợp để thực hiện dự án là điều khá khó vì cả nhóm đều chọn sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện, có sẵn tại địa phương. Hơn nữa, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên các bạn đều phải làm việc online, khiến quá trình thực hiện dự án gặp nhiều trở ngại hơn.

    “Nhóm đã dùng phương pháp Bioclimatic (sinh khí hậu) trong việc thiết kế. Bioclimatic giúp công trình hài hòa với môi trường tự nhiên và khí hậu địa phương, đảm bảo các điều kiện về tiện nghi nhiệt bên trong công trình. Do đó, nhóm đã tận dụng tối đa luồng không khí tự nhiên vào mùa khô, sử dụng các vật liệu bảo vệ mặt tiền khỏi thấm nước khi mùa mưa tới” - Hoàng Phước chia sẻ.

    Phước cho biết thêm, công trình sẽ có kết cấu bê tông lắp ghép đơn giản. Tường nhà được xây dựng từ hỗn hợp xi măng, cát địa phương và rơm đã băm nhỏ cùng một lượng vừa đủ chất chống thấm. Phần mái được lợp cách nhiệt bằng cách sử dụng trấu trộn với tảo cát. Vỏ trấu chứa chất silicat có thể chống chịu tốt ở độ ẩm cao trong điều kiện khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa. Tảo cát lại có chứa chất chống mối mọt. Phần cửa của công trình là sự kết hợp bữa mây tre cùng với gỗ đã qua sử dụng. Loại gỗ được nhóm chọn là gỗ chịu nhiệt, thường được dùng cho các boong tàu.

    “Sự kết hợp giữa các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương và những nguyên vật liệu xây dựng vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo chống thấm tốt và giữ cho công trình thông thoáng. Đồng thời, cách làm này cũng không gây ra quá nhiều ô nhiễm trong quá trình thi công công trình” - Phước nói.

    Bản phối cảnh thư viện Mật ngọt nhìn từ bên ngoài. Ảnh: NVCC

    Mong trẻ em vùng núi có thêm nhiều thư viện

    Sau khi đạt giải Nhất, dự án xây dựng thư viện cho trẻ em vùng núi sẽ được thi công tại khuôn viên điểm Đá Trắng, Trường Tiểu học Phước Tân A, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Kinh phí thực hiện do cuộc thi tài trợ khoảng 155 triệu đồng.

    Theo Hoàng Phước, không gian bên trong thư viện được chia làm 2 khu chứa sách và sinh hoạt. Khu vực chứa sách gồm 4 kệ được làm từ gỗ tái chế với sức chứa lên đến 200 đầu sách. Các kệ sẽ được xếp cách khoảng, tạo lối đi thông thoánng. Nguồn sách dùng cho thư viện lấy từ số sách sẵn có tại trường cũng như sự quyên góp ủng hộ từ các nhà hảo tâm. 

    Không gian sinh hoạt nằm ở trung tâm thư viện, được trang bị những dãy bàn dài kèm ghế ngồi với chiều cao phù hợp nhằm giữ đúng tư thế ngồi cho các bạn nhỏ. Nhóm sẽ lắp bảng, trang bị thêm những chiếc giá để tranh phục vụ các bạn nhỏ trong những giờ hoạt động ngoại khóa.

    Hoàng Phước bày tỏ: “Nhóm mong muốn dự án không chỉ dừng lại ở một thư viện ‘Mật Ngọt’. Nhóm luôn hy vọng rằng ý tưởng của ‘Mật ngọt’ sẽ truyền thêm cảm hứng cho nhiều người, nhờ đó sẽ có thêm nhiều thư viện ‘Mật ngọt’ khác được xây dựng để đem đến môi trường học tập, vui chơi cho trẻ em vùng núi nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung. Những việc làm này góp một phần nhỏ giúp các em có cơ hội được phát triển toàn diện và có thêm dũng khí theo đuổi ước mơ”.

    Từ những ngày đầu thực hiện dự án, nhóm của Phước đã may mắn có được những người đồng hành tâm huyết. Xuyên suốt quá trình chuẩn bị và tham gia cuộc thi, TS.KTS Lê Thị Hồng Na - Giảng viên ngành Kiến trúc, khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM - là người truyền cảm hứng cũng như chia sẻ các kỹ năng hoàn thiện dự án từ khâu thiết kế đến sử dụng trong thực tế.

    TS.KTS Lê Thị Hồng Na cho hay: “Về thiết kế, dự án ‘Mật ngọt’ có quy mô vừa phải và có tính khả thi cao. Vì vậy, dự án sẽ được phát triển để trở thành công trình thực tế với những giá trị thiết thực cho cộng đồng, nhất là cho các trẻ em tại địa phương”.

    Cô cũng cho biết, khi “Mật ngọt” được thi công xong, công trình thư viện này sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc bảo vệ môi trường, tính nhân văn, vai trò của cộng đồng địa phương cũng như các doanh nghiệp và nhất là của Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM trong sự phát triển bền vững.

    Chia sẻ quan điểm này, anh Lê Văn Tuấn bộc bạch: “Đối với những bạn nhỏ đang theo học tại Trường Tiểu học Phước Tân A, thư viện ‘Mật Ngọt’ chính là một món quà trân quý. Bởi lẽ nó không chỉ đáp ứng nguyện vọng của các bạn mà còn thể hiện được sự đồng cảm và quan tâm của rất nhiều người đối với hoàn cảnh các bạn nhỏ ấy”.

    Phối cảnh chi tiết không gian bên trong thư viện Mật ngọt. Ảnh: NVCC

    “Nghiên cứu khoa học INSEE PRIZE” là một cuộc thi thường niên, được tổ chức nhằm khuyến khích và tôn vinh những sáng kiến của sinh viên hướng đến xây dựng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ đó mang nhiều giá trị cho xã hội cũng như tạo điều kiện, môi trường cho sinh viên có cơ hội được trải nghiệm, phát huy năng lực của mình.

    Cuộc thi năm nay trải qua 4 vòng thi, thu hút gần 200 ý tưởng thiết kế của sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc.

    Theo Hoàng Phước, để thực hiện dự án, nhóm còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ CLB Tình nguyện Đom Đóm Đêm - Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM về mặt hình ảnh tại thực địa khi nhóm không thể tự mình đi khảo sát.

     

    PHƯƠNG ANH - THU THẢO

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên