ĐHQG-HCM vừa quyết định cấp kinh phí lên đến hàng tỷ đồng cho các tiến sĩ trẻ trong khuôn khổ Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ĐU ngày 04 tháng 8 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQG-HCM về thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG-HCM từ năm 2024 đến năm 2030 (Chương trình VNU350).
Trong hai đợt tuyển dụng năm 2024, có tổng cộng 21 đề tài của các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành trúng tuyển đã được ĐHQG-HCM phê duyệt cấp kinh phí trong năm 2024, 2025. Tổng kinh phí đề tài là gần 6.5 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: Toán học, Hóa sinh, Công nghệ sinh học và nhiều lĩnh vực khoa học tiên tiến khác.
Trong số những ứng viên xuất sắc được nhận kinh phí đáng chú ý có hai tiến sĩ trẻ là Cấn Trần Thành Trung và Vũ Gia Phong, cả hai đều đã tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
TS Cấn Trần Thành Trung, người từng đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, Thủ khoa tốt nghiệp ngành Toán ĐH Duke, vừa tốt nghiệp tiến sĩ Toán học tại Viện Công nghệ California, Hoa Kỳ - Top 7 trường đại học tốt nhất thế giới - hiện đang công tác tại Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên theo Chương trình VNU350. Đề tài nghiên cứu của anh tại ĐHQG-HCM là “Toán lý thuyết và ứng dụng trong công nghệ mật mã và trí tuệ nhân tạo”, kéo dài trong 24 tháng với tổng kinh phí lên đến 800 triệu đồng.
Còn TS Vũ Gia Phong, tốt nghiệp ngành Hóa sinh từ Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ là một trong bốn sinh viên xuất sắc nhận giải thưởng Luận án Tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện Đại học California. Với hơn 20 năm học tập và giảng dạy tại Hoa Kỳ, TS Vũ Gia Phong đã có cơ hội nghiên cứu cùng các giáo sư đoạt giải Nobel và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị. Anh trúng tuyển Chương trình VNU350 với vị trí Trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Đại học Quốc tế. Dưới sự tài trợ của Chương trình VNU350, TS Gia Phong sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các phương pháp phát hiện nhiễm trùng ứng dụng công nghệ CRISPR-Cas với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Chương trình VNU350 không chỉ mang lại nguồn tài chính dồi dào cho các nhà nghiên cứu trẻ mà còn giúp họ có điều kiện thành lập nhóm nghiên cứu, phát triển phòng thí nghiệm hiện đại với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây được coi là một bước đi mạnh mẽ của ĐHQG-HCM trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, góp phần phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho Việt Nam trong tương lai.
Xem thông tin chi tiết về Chương trình VNU350 tại đây: https://vnu350.vnuhcm.edu.vn/
BẢO KHÁNH
Hãy là người bình luận đầu tiên