Sáng 12/7, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM đã diễn ra Tọa đàm “Xây dựng Chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến ngành Thiết kế vi mạch tại ĐHQG-HCM” do ĐHQG-HCM tổ chức. PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.
Tọa đàm thu hút sự tham dự của các chuyên gia từ các đại học trong và ngoài nước, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp khoa học - công nghệ liên quan lĩnh vực này.
Nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực
Tọa đàm nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm thiết kế chương trình, tổ chức đào tạo, và phát triển nghiên cứu lĩnh vực vi mạch của các trường đại học có thế mạnh trong đào tạo thiết kế vi mạch khu vực châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); chia sẻ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, đóng gói chip cho các chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp.
Từ đó, ĐHQG-HCM hướng đến hoàn thiện khung chương trình đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch; xúc tiến hợp tác giữa ĐHQG-HCM với các trường đại học, tổ chức quốc tế, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu vi mạch. ĐHQG-HCM thể hiện vai trò chủ động trong việc tham gia thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.
Sau đại dịch COVID-19, nền công nghiệp vi mạch bán dẫn thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng để mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trên toàn cầu, nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường hay một khu vực. Các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng cường đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam.
Có thể quan sát rõ làn sóng này từ năm 2021 đến nay: một số tập đoàn lớn như AT&S (Áo), Ampe Computing (Mỹ), Marvell Technology (Mỹ), Faraday (Đài Loan), Realtek (Đài Loan)…, đã đến Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM, để phát triển nhà máy và quy mô đội ngũ thiết kế ngành công nghiệp vi mạch. Nhân lực họ cần không chỉ là kỹ sư thiết kế back-end mà còn cả thiết kế kiến trúc, front-end.
Điều này làm cho nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. ĐHQG-HCM với vai trò là một trong hai hệ thống giáo dục lớn nhất Việt Nam, phải là nơi tiên phong trong viêc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về vi mạch.
Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, cho biết chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể chia thành 4 khâu, gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra, và chế tạo thiết bị. Hiện nay, Việt Nam chưa thể tham gia khâu chế tạo thiết bị. Trong khi đó, một vài công ty đóng gói - kiểm tra chip đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng đều thuộc nước ngoài. Trước mắt, Việt Nam chỉ có thể tham gia khâu thiết kế vi mạch.
Theo TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa, trong giai đoạn sắp tới, ước đoán ngành vi mạch trong nước cần 1.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng hiện tại Việt Nam không có nhiều nhân lực chuyên về sản xuất, thiết kế vi mạch, cũng như chưa có sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa. Do đó, vẫn còn khoảng trống trong việc đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
Thách thức về kinh nghiệm
PGS.TS Trần Mạnh Hà - Phó Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, thông tin rằng ĐHQG-HCM đang hướng đến việc xây dựng chương trình đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trong 5 năm ở bậc đại học và sau đại học, nhằm góp phần tăng cường nhân lực cho ngành này. Khung chương trình đào tạo sẽ gồm các khóa chuyên sâu, cấp tốc và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp có thể nhận chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc học lên bậc sau đại học.
Tuy nhiên, ông cho biết ĐHQG-HCM đối mặt với các thách thức về kinh nghiệm triển khai, cơ sở vật chất, cũng như chương trình riêng. Do đó, ĐHQG-HCM cần thu hút chuyên gia quốc tế, Việt kiều về nước, nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên, các nhóm nghiên cứu mạnh, liên minh hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Tọa đàm đã lắng nghe báo cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước. TS Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, trình bày về cơ hội, thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Theo ông, lực lượng trong nước về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ có nhiều đặc tính rất phù hợp với ngành công nghiệp bán dẫn; riêng ngành điện tử ở Việt Nam ước tính có khoảng 500.000 kỹ sư, 1 triệu công nhân, 5.000 kỹ sư cao cấp về điện tử và chip.
Ông cho rằng để phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch, cần tập trung vào nhóm các đại học tiên phong như hai ĐHQG và ĐH Bách Khoa Hà Nội, tăng cường chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, thu hút chuyên gia, nhà khoa học.
GS Lee Hyuk-jae - Trưởng Khoa Điện và Kỹ thuật Máy tính, ĐHQG Seoul, dẫn chứng ở Hàn Quốc, ĐHQG Seoul khuyến khích sinh viên các ngành khác học thêm hoặc học song ngành để trở thành kỹ sư vi mạch. Đây là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Ông cũng cho rằng nên có sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp sẽ đến trường đại học chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; ngược lại, sinh viên sẽ thực tập về thiết kế, sản xuất chip tại doanh nghiệp.
Tổng kết tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho biết chương trình đào tạo tiên tiến về thiết kế vi mạch ở bậc đại học và sau đại học của ĐHQG-HCM sẽ gắn liền với thực tiễn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm từ các quốc gia có thế mạnh, và kết nối với định hướng chung từ Chính phủ. Ông nhấn mạnh đào tạo và nghiên cứu vi mạch sẽ triển khai song hành, các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ hai mục tiêu này sẽ được xây dựng. Phòng thí nghiệm không chỉ phục vụ cho các chuyên gia, sinh viên trong hệ thống ĐHQG-HCM mà có thể sẽ mở rộng khả năng phục vụ cho các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến vi mạch, bán dẫn ở khu vực phía Nam.
LÊ HOÀI - THIỆN THÔNG
Hãy là người bình luận đầu tiên