Sáng 5/4, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM đã diễn ra tọa đàm giới thiệu Khung Chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và Chương trình đào tạo Tiến sĩ Liên ngành Khoa học sức Khỏe tại ĐHQG-HCM. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện TP Thủ Đức, các đơn vị thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc ĐHQG-HCM cùng các nhà khoa học. Tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các bên liên quan để hoàn chỉnh Khung Chương trình nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại ĐHQG-HCM đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Ứng dụng AI lấy con người làm trung tâm
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết bên cạnh các công bố khoa học, ĐHQG-HCM rất quan tâm những nghiên cứu tác động lên xã hội. Trong đó, nghiên cứu liên quan sức khỏe con người là hết sức quan trọng. Vì vậy, Khung Chương trình nghiên cứu, ứng dụng AI tại ĐHQG-HCM sẽ dành sự ưu tiên cho lĩnh vực khoa học sức khỏe.
PGS.TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, giới thiệu Khung Chương trình, cho biết mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, phát triển nhóm nghiên cứu mạnh về trí tuệ nhân tạo và hợp tác nghiên cứu liên ngành. Cùng với đó, đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi nhằm xây dựng đô thị sáng tạo và thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số; xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu và chuyển giao công nghệ AI để khuyến khích sự phát triển sản phẩm, dịch vụ và khởi nghiệp.
ĐHQG-HCM phát triển nghiên cứu ứng dụng AI phục vụ con người và xã hội trên nguyên tắc “lấy con người làm trung tâm” (human-centered AI), gắn với các lĩnh vực như khoa học sức khỏe, nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu, tương tác thông minh (AR/VR/MR…), thiết kế vi mạch bán dẫn, an toàn thông tin, đô thị thông minh, giao thông thông minh, nghiên cứu liên ngành giữa AI với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Bên cạnh đó, xây dựng các bộ dữ liệu đặc thù của Việt Nam dùng trong AI, dữ liệu dùng chung, dữ liệu chia sẻ, dữ liệu mở của các lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước phục vụ ứng dụng AI: dữ liệu dân số và dân số học, địa lý và không gian, kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe, giáo dục và đào tạo, công nghiệp và sản xuất, công nghệ và Internet, an ninh và pháp luật… ĐHQG-HCM đặt mục tiêu tạo ra một môi trường hợp tác lâu dài và có lợi cho cả doanh nghiệp và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ có ứng dụng AI vào các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sản xuất, kinh doanh.
Đào tạo tiến sĩ liên ngành khoa học sức khỏe
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm ĐHQG-HCM, giới thiệu Chương trình Tiến sĩ Liên ngành Khoa học sức Khỏe, cho biết mô hình liên ngành về khoa học sức khỏe đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới sử dụng trong thời gian gần đây. Theo đề xuất, Chương trình Tiến sĩ Liên ngành Khoa học sức Khỏe tại ĐHQG-HCM đào tạo trong 5 năm (10 học kỳ), nền tảng cốt lõi gồm: Y và Dược; Khoa học và Kỹ thuật; Kinh doanh khởi nghiệp và Luật pháp, Y đức.
Chương trình được thiết kế phù hợp nhằm xây dựng các kỹ năng nghiên cứu thiết yếu bằng cách kết hợp các kiến thức chuyên môn đa ngành hướng tới các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Theo dự thảo, yêu cầu đầu vào là cử nhân loại giỏi hoặc thạc sĩ có trình độ, kỹ thuật và năng lực trong lĩnh vực liên quan (y học, kỹ thuật y sinh, khoa học sinh học, công nghệ sinh học, dược phẩm, xét nghiệm y học, khoa học máy tính, công nghệ thông tin) hoặc có bằng cấp tương đương, trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 (ít nhất 5.5 mỗi kỹ năng).
Các đại biểu cũng đã lắng nghe TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, trình bày tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài toán chẩn đoán và phân loại bệnh lý thần kinh”. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện, các nhà khoa học tham dự tọa đàm hoàn toàn ủng hộ chương trình của ĐHQG-HCM, bên cạnh đó thảo luận, góp ý để ĐHQG-HCM hoàn chỉnh khung chương trình.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên