Tên đề tài: Đối chiếu diễn ngôn án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học So sánh – Đối chiếu
Mã số: 9220241
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phan Tuấn Ly
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Chính - TS. Nguyễn Hoàng Trung
Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
1. Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Luận án “Đối chiếu diễn ngôn án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật” được tiến hành dựa trên việc áp dụng hệ lý thuyết của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống do Halliday đề xuất. Các phương pháp được sử dụng để hoàn thành Luận án này bao gồm: miêu tả, phân tích diễn ngôn, đối chiếu và thống kê. Hai nguồn ngữ liệu được để khảo sát bao gồm: 34 án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật được ban hành bởi Toà án cao nhất của hai quốc gia. Phân tích diễn ngôn án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật được tiến hành theo ba tầng bậc: Chu cảnh văn hoá, Chu cảnh tình huống và Ngữ nghĩa diễn ngôn. Kết quả của việc phân tích cũng được tiến hành đối chiếu theo ba tầng bậc này. Chu cảnh văn hoá được hiện thực hoá thông qua Tiềm năng cấu trúc thể loại. Chu cảnh tình huống được hiện thực hoá bởi các đặc điểm của Ngôn vực diễn ngôn. Ngữ nghĩa diễn ngôn được hiện thực hoá thông qua ba bình diện nghĩa: Liên nhân, Ý niệm, Văn bản. Các bình diện nghĩa này được khảo sát dựa trên năm nguồn tạo nghĩa: Đánh giá, Chu kỳ thông tin, Nhận diện, Phương tiện liên kết và Kết nối ý niệm. Kết quả nghiên cứu của Luận án ghi nhận các đặc trưng của các yếu tố thuộc ba tầng bậc. Kết quả cho thấy án lệ ở hai ngôn ngữ khác nhau duy trì sự khác biệt ở bình diện diễn ngôn. Nhưng do cùng một thể loại diễn ngôn nên chúng có những sự tương đồng nhất định dù khác biệt loại hình ngôn ngữ.
2. Những kết quả của Luận án
(i) Đặc điểm của diễn ngôn án lệ tiếng Việt
Thứ nhất, Tiềm năng cấu trúc thể loại của án lệ tiếng Việt gồm mười ba yếu tố có thể xuất hiện, trong đó gồm mười một yếu tố bắt buộc và hai yếu tố tuỳ nghi.
Thứ hai, án lệ tiếng Việt có Trường giải quyết tranh chấp pháp lý. Thức của diễn ngôn án lệ tiếng Việt là chỉ có duy nhất yếu tố ngôn ngữ tạo lập, thông qua kênh viết văn bản. Án lệ là loại hình diễn ngôn độc thoại với một sự cách biệt về địa vị trong giao tiếp.
Thứ ba, án lệ tiếng Việt được tạo lập bằng việc sắp xếp các “xung” thông tin theo dạng thức Chuỗi. Trong đó Pha thông tin Nội dung vụ án được bố trí theo phương thức Tầng bậc. Tham chiếu Giả định đóng vai trò chính yếu trong việc đề cập lại người/vật trong diễn ngôn án lệ tiếng Việt.
Thứ tư, mạng lưới từ vựng trong diễn ngôn án lệ tiếng Việt được hiện thực hoá chủ yếu bởi Quan hệ phân loại, trong đó Lặp từ là phương thức nỗi trội. Phương tiện liên kết các câu trong diễn ngôn án lệ tiếng Việt được hiện thực hoá bằng tất cả các dạng thức. Nhưng Phương tiện liên kết giữa các Pha thông tin hoặc các yếu tổ của thể loại được hiện thực hoá chủ yếu bằng Thời gian.
Thứ năm, sự tương tác trong diễn ngôn án lệ tiếng Việt đa phần là sự tương tác một chiều từ Toà án và chủ thể tiếp nhận diễn ngôn ít có cơ hội tham gia vào.
(ii) Đặc điểm của diễn ngôn án lệ tiếng Nhật
Thứ nhất, Cấu trúc vĩ mô của án lệ tiếng Nhật có khả năng xuất hiện chín yếu tố, trong đó có sáu yếu tố bắt buộc và ba yếu tố tuỳ nghi.
Thứ hai, chủ thể tương tác là Toà Tối cao Nhật Bản và các bên trong tranh chấp có sự khác biệt về khoảng cách xã hội giữa người có quyền lực và bên yếu thế hơn. Toà Tối cao Nhật Bản tạo lập án lệ bằng kiểu ngôn ngữ viết, được sử dụng để đọc khi tuyên án. Tuy nhiên, việc đọc bản án không phải là yếu tố tạo nghĩa cho văn bản.
Thứ ba, việc phát triển diễn ngôn của án lệ tiếng Nhật được thiết lập theo mô hình Chuỗi, dù Siêu pha Lý do có thể được tổ chức theo dạng Chuỗi hay Tầng bậc. Tham chiếu Giả định là đặc trưng của án lệ tiếng Nhật.
Thứ tư, mạng lưới từ vựng để hiện thực hoá Trường giải quyết tranh chấp pháp lý trong án lệ tiếng Nhật được xây dựng chủ yếu bằng phương tiện Lặp từ trong Quan hệ phân loại. Phương tiện liên kết các câu, các Pha thông tin và các yếu tố thuộc thể loại được hiện thực hoá bằng các phương thức diễn đạt của Phương tiện liên kết trong và ngoài.
Thứ năm, sự tương tác giữa Toà Tối cao Nhật Bản và những người đọc tiềm năng của án lệ tiếng Nhật ít được kích hoạt. Điều này làm cho văn bản án lệ tiếng Nhật trở nên một chiều, mang tính quyền lực và đanh thép.
(iii) Điểm tương đồng và khác biệt của diễn ngôn án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật
Thứ nhất, cấu trúc vĩ mô của án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật có những điềm tương đồng và khác biệt nhất định. Điểm tương đồng nằm ở các yếu tố thể thức, các quyết định của Toà án cấp sơ thẩm, kết luận của cơ quan xét xử đang thụ lý. Sự khác biệt ở các khía cạnh như: (i) số lượng yếu tố không giống nhau, (ii) các yếu tố lặp lại cũng có sự khác biệt và (3) trật tự của các yếu tố trong GSP khác nhau giữa hai nhóm văn bản.
Thứ hai, Ngôn vực của hai nhóm án lệ về cơ bản là tương đồng. Các điểm khu biệt bao gồm: (i) Hướng đích của án lệ tiếng Nhật là xét xử, hơn là định hướng xét xử; (ii) án lệ tiếng Nhật được viết ra để đọc (tuyên án) trong khi tiếng Việt thì không; (iii) án lệ tiếng Việt là văn bản được Toà án Nhân dân Tối cao sử dụng để giao tiếp chủ yếu với Toà án các cấp, còn án lệ tiếng Nhật được Toà Tối cao sử dụng để giao tiếp chủ yếu với các bên trong tranh chấp.
Thứ ba, sự tương đồng của hai nhóm án lệ được thể hiện qua sự tồn tại của một số Pha thông tin giống nhau trong hệ thống Chu kỳ thông tin. Phương thức phát triển diễn ngôn của hai nhóm án lệ đều dựa trên phương thức Chuỗi. Tham chiếu Trình hiện, Giả định và Hồi chiếu cũng được diễn đạt bằng những phương thức khá giống nhau giữa án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật. Sự khu biệt nằm ở các khía cạnh: cách sắp xếp các Pha thông tin và số lượng Pha trong án lệ của hai quốc gia.
Thứ tư, Toà án Nhật Bản và Việt Nam đều có xu hướng sử dụng phương thức Lặp từ để sâu chuỗi mạng lưới từ vựng bên trong diễn ngôn án lệ. Tuy nhiên, phương thức hiện thực hoá số lượng Chuỗi hành động không giống nhau, đặc trưng của các dạng thức Phương tiện liên kết trong, Phương tiện liên kết ngoài và Kiểu tiếp nối cũng có những điểm khác biệt.
Thứ năm, phương thức diễn đạt sự tương tác của Toà án hai quốc gia không nhiều. Sự khu biệt đặc điểm diễn ngôn của hai nhóm văn bản này chủ yếu ở các yếu tố của Đa nguồn như Tình thái, Phóng chiếu.
3. Những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Thứ nhất, Luận án chỉ khảo sát các đặc điểm của diễn ngôn án lệ với các đặc trưng vượt ra khỏi cấp độ câu. Do đó, nếu khảo sát án lệ ở bình diện “câu” có thể góp phần khẳng định các đặc điểm của diễn ngôn đã được đúc kết trong các Chương của Luận án.
Thứ hai, phương thức diễn đạt ở tầng từ vựng – ngữ pháp để hiện thực hoá các nguồn tạo nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Nhật vẫn còn chưa được xác lập đầy đủ. Chính vì vậy, nếu mở rộng nguồn ngữ liệu từ án lệ sang đa dạng các thể loại văn bản khác sẽ góp phần miêu tả đầy đủ hơn các phương thức diễn đạt hiện thực hoá các nguồn tạo nghĩa ở tầng từ vựng – ngữ pháp.
Thứ ba, Luận án tập trung đối chiếu các đặc điểm nổi bật của hai nhóm diễn ngôn. Do vậy, các đặc điểm không nổi trội của diễn ngôn án lệ tiếng Việt và tiếng Nhật vẫn chưa có những đối chiếu chi tiết.
Hãy là người bình luận đầu tiên