Sáng 11/8, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1), ĐHQG-HCM tổ chức tọa đàm “Nâng cao năng lực công bố khoa học quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và kinh tế - luật tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Các giải pháp từ tiếp cận nghiên cứu liên ngành”.
Mong muốn của ĐHQG-HCM
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng có 3 sự thật về nghiên cứu và công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV tại ĐHQG-HCM “cần phải thẳng thắn thừa nhận”.
Đó là số lượng xuất bản quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV còn thấp, số lượng đề tài trong lĩnh vực này nộp lên ĐHQG-HCM cũng rất thấp và các đề xuất về phòng thí nghiệm chưa thực sự thể hiện được đặc thù, chưa thuyết phục được Ban Giám đốc đầu tư.
“Các dự án phòng thí nghiệm khi nộp lên ĐHQG quay đi quay lại cũng là mua máy tính. Máy tính giao cho Trường Nhân Văn hay Kinh tế - Luật không nhiều, khoảng 10-15 tỷ. Trong khi đó, dự án về chuyển đổi số của ĐHQG quy mô hàng trăm tỷ đã được đầu tư ở các trường khác như Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH KHTN. Không thể tiếp tục đầu tư lẻ tẻ cho một vài phòng máy tính như vậy” - Giám đốc ĐHQG-HCM đánh giá.
Ông Quân cho biết mong muốn của ĐHQG-HCM đối với lĩnh vực KHXH&NV, cũng như Kinh tế - Luật được thể hiện trong tầm nhìn và sứ mạng của ĐHQG-HCM.
Đó là đào tạo nhân tài có kiến thức toàn diện, tức nhấn mạnh tính liên ngành; có trách nhiệm xã hội, ở đây vai trò của KHXH&NV rất lớn; có tư duy khởi nghiệp và có năng lực lãnh đạo. Về nghiên cứu khoa học là làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại và nền văn hóa Việt Nam.
Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh: “Khi nói về trường phái nhân học, lịch sử, văn hóa Việt Nam thì phải nói về ĐHQG-HCM, nói đến Trường ĐH KHXH&NV. Để làm được điều này, chúng ta phải có nhóm nghiên cứu mạnh, có công bố, xuất bản quốc tế. Giả sử 1-2 năm, chúng ta có báo cáo nghiên cứu về một số vấn đề chọn lọc trong văn hóa, con người Việt Nam công bố cho quốc tế. Những tác động đó thể hiện được trường phái của chúng ta, thể hiện đúng sứ mạng của chúng ta. Những định hướng này sẽ giúp chúng ta xây dựng được các trường phái nghiên cứu”.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng để làm được điều này, ĐHQG-HCM sẽ phải đi từng bước.
Cần xây dựng chuỗi hoạt động học thuật chung
Giám đốc ĐHQG-HCM đã đề xuất hai giải pháp ban đầu để cải thiện hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV.
Trước nhất, ĐHQG-HCM cần xây dựng được một chuỗi các hoạt động chung về học thuật trong hệ thống ĐHQG.
Ông nói: “Chúng ta có thể làm luân phiên tại các trường thành viên với các chủ đề như trình bày kết quả nghiên cứu, định hướng nghiên cứu của các thầy cô. Từ đó tạo không gian trao đổi, hỗ trợ và hợp tác giữa các nhà khoa học. ĐHQG-HCM sẽ xây dựng đề án tài trợ cho hoạt động này. Một tháng, chúng ta có thể làm 1-2 chủ đề theo hướng liên ngành với đầu mối tổ chức là các phòng dự án khoa học của các trường thành viên. Từ đó mới lan tỏa đam mê, ý thức nghiên cứu trong toàn hệ thống”.
Tiếp đến, Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết ông mong muốn các nhà nghiên cứu thông qua Ban KH&CN gửi cho Ban Giám đốc một số đề xuất nghiên cứu mang tính chất liên ngành và có khả năng công bố quốc tế.
“Trong đề xuất đó, các thầy cô cần thể hiện rõ mong muốn hợp tác với các nhà nghiên cứu khác trong lĩnh vực nào. Dựa trên các đề xuất này, ĐHQG-HCM sẽ tổ chức tọa đàm tiếp theo để Hội đồng Khoa học - Đào tạo giúp Ban Giám đốc rà soát các đề xuất này và trao đổi với từng đề xuất cụ thể. Làm sao phấn đấu để trong năm 2024 ĐHQG-HCM tăng gấp đôi số lượng đề tài nghiên cứu về lĩnh vực KHXH&NV” - PGS.TS Vũ Hải Quân giải thích.
Ông Quân cũng lưu ý về hệ thống phòng thí nghiệm, các đề xuất phải mang tính đặc thù của ngành nghiên cứu, các vấn đề liên quan máy tính trong dự án, đề tài nghiên cứu sẽ để các đơn vị thành viên khác của ĐHQG-HCM cùng tham gia.
Bài, ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên