Tên luận án: Giảng dạy biên dịch nhìn từ góc độ giao tiếp liên văn hóa (trường hợp khoa Ngữ văn Anh trường ĐH KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM)
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 9229040
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Vân Hoài
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Phan Thị Thu Hiền
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Tp. HCM
1. Tóm tắt nội dung luận án
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, nhu cầu giao tiếp liên văn hóa trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Dịch với tư cách hỗ trợ giao tiếp giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau cũng là một hoạt động giao tiếp liên văn hóa. Bản dịch đạt chất lượng tốt không chỉ đảm bảo chất lượng về nội dung mà còn phải đáp ứng yêu cầu giao tiếp trong môi trường đa văn hóa.
Tại Việt Nam, môn biên dịch là môn học bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngữ tại các trường đại học. Phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy cho môn học này cũng đã được các giảng viên khai thác và chia sẻ. Tuy nhiên, những chia sẻ đó phần nhiều bàn về góc độ giáo dục, cụ thể là phương pháp giảng dạy và các hoạt động giảng dạy trong lớp học. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giảng dạy biên dịch còn có thể được nhìn dưới một góc nhìn mới, mang tính thời đại hơn, đó là góc nhìn giao tiếp liên văn hóa. Luận án tập trung khai thác trường hợp khoa Ngữ văn Anh, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhằm tìm hiểu thực tế giảng dạy các môn biên dịch dưới góc nhìn giao tiếp liên văn hóa.
2. Những kết quả của luận án
2.1. Về phương diện khoa học
Luận án đi đến kết luận rằng giao tiếp liên văn hóa có hiện diện trong việc giảng dạy các môn biên dịch tại khoa Ngữ văn Anh, trường ĐH KHXH&NV. Tuy nhiên, do chương trình đào tạo của khoa hướng đến ngôn ngữ Anh nên nội dung và hình thức giảng dạy có phần chú trọng nhiều hơn đến ngôn ngữ và chưa thật sự quan tâm đến định hướng giao tiếp liên văn hóa trong giảng dạy biên dịch.
2.2. Về phương diện thực tiễn
Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy môn biên dịch từ Anh sang Việt và từ Việt sang Anh trong nhà trường, nội dung giảng dạy cần tập trung vào sự khác biệt về thực tại văn hóa và tâm thức văn hóa của văn hóa Việt Nam và văn hóa Anh-Mỹ. Bên cạnh đó, hình thức giảng dạy cần có định hướng giao tiếp liên văn hóa cho cả giảng viên và sinh viên từ đầu các khóa học. Giảng viên cần được cung cấp những tiêu chí và kinh nghiệm giảng dạy theo định hướng giao tiếp liên văn hóa. Còn sinh viên cũng cần phải phát huy năng lực tự học và tự nghiên cứu nhằm cải thiện chất lượng bản dịch của mình.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Đề tài có thể tiến hành nghiên cứu thêm theo hai hướng dưới đây:
Hướng thứ nhất, đề tài có thể so sánh và ghi nhận những đặc điểm của văn hóa Anh-Mỹ và Việt Nam đối với chiều kích Định hướng dài hạn, đồng thời tham khảo các chỉ số của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, … nhằm tìm ra một lý giải hợp lý nhất cho việc vì sao chỉ số định hướng dài hạn của Việt Nam lại cao hơn chỉ số của Anh và Mỹ vốn là hai nước công nghiệp và có tầm nhìn định hướng rất tốt về tương lai.
Hướng thứ hai, đề tài có thể tiếp tục xây dựng bộ tài liệu về nội dung và hình thức giảng dạy nhằm hỗ trợ cho việc giảng dạy các môn biên dịch theo định hướng giao tiếp liên văn hóa. Tài liệu về nội dung giảng dạy bao gồm tâm thức văn hóa và thực tại văn hóa để sử dụng song song với tài liệu giảng dạy hiện nay của khoa. Về hình thức giảng dạy, tài liệu đưa ra những hướng dẫn dành cho giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học các môn biên dịch tại khoa Ngữ văn Anh.
Hãy là người bình luận đầu tiên