Sáng 19/10, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trường ĐH An Giang ĐHQG-HCM đã tham gia Lễ khởi động Dự án “Hợp tác Úc - Việt về chuỗi giá trị lúa gạo bền vững khu vực ĐBSCL”, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Úc - Việt Nam vào năm 2023.
Thượng nghị sĩ Tim Ayres - Thứ trưởng Thương mại kiêm Thứ trưởng Sản xuất của Úc, ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Sarah Hooper - Tổng lãnh sự Úc tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, đã đến dự.
Sẽ lập Trung tâm Tiên tiến hợp tác Trường ĐH An Giang
Dự án thực hiện trong 48 tháng, do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) và Tập đoàn SunRice (Úc) cùng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng kinh phí dự án là 4.386.725 AUD (hơn 67,5 tỷ đồng), trong đó Việt Nam được ACIAR tài trợ 1.065.784 AUD (hơn 16,4 tỷ đồng). Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ACIAR hoạt động tại Việt Nam.
Các đối tác chính của dự án là ĐH Queensland (Úc), Trường ĐH An Giang ĐHQG-HCM, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL (CLRRI), Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ, Sở NN&PTNT của hai tỉnh Đồng Tháp và Sóc Trăng, và một số công ty trực thuộc Tập đoàn SunRice.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, nhận định rằng giá trị của một đại học được đánh giá bằng những sáng tạo và đóng góp vào kho tàng tri thức, khoa học của nhân loại, chuyển những giá trị ấy vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cộng đồng. Trong nhiều năm qua, ĐHQG-HCM đã gắn kết chặt chẽ với các địa phương bằng nhiều chương trình, dự án triển khai tại nhiều tỉnh thành, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đặc biệt là vùng ĐBSCL.
“Việc tham gia dự án này một lần nữa thể hiện cam kết của ĐHQG-HCM trong việc đóng góp cho sự phát triển vùng ĐBSCL - khu vực có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực, đa dạng sinh học và môi trường của Việt Nam” - Giám đốc ĐHQG-HCM chia sẻ.
Dự án khuyến khích các hợp tác xã và các nhóm nông dân sản xuất lúa gạo áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất bền vững, với các chỉ số đo lường thuộc bộ quy chuẩn canh tác lúa gạo bền vững (SRP). Dự án cũng nâng cao các tri thức khoa học cần thiết về thực hành sản xuất trong các hợp tác xã và thực hành sau thu hoạch để tối ưu hóa năng suất và chất lượng gạo tại ĐBSCL.
Đặc biệt, một Trung tâm Tiên tiến về Quy trình xay xát và Chế biến sau thu hoạch tại Nhà máy Lấp Vò của Tập đoàn SunRice sẽ được thành lập. Đây là nơi để các cán bộ và sinh viên của Trường ĐH An Giang hợp tác, học hỏi, nghiên cứu và chia sẻ tri thức trong lĩnh vực xay xát lúa gạo.
Cơ hội cho sinh viên học tập và bổ sung bằng cấp
Thượng nghị sĩ Tim Ayres cho biết nông nghiệp tại Úc chịu tác động của biến đổi khí hậu, và việc sử dụng quá mức nguồn nước gây ảnh hưởng lớn đến các dòng sông. Tuy một số đặc điểm của các thách thức về môi trường khá khác biệt Việt Nam, nhưng tác nhân dẫn đến chúng là tương tự. Do đó, có rất nhiều thứ mà hai quốc gia có thể chia sẻ về khoa học, nghiên cứu, và hợp tác về kỹ thuật, quy trình sản xuất, gây giống cây trồng…
“Việt Nam là một trong ba nơi xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới, với khoảng 53% lúa gạo được sản xuất tại vùng ĐBSCL. Chúng tôi cần phải học hỏi Việt Nam rất nhiều về quy trình sản xuất lúa gạo hữu ích cho nông dân Úc” - ông Tim Ayres khẳng định.
Tất cả bên tham gia vào chuỗi giá trị gạo sẽ được nâng cao hiểu biết về các thành phần của một chuỗi giá trị bền vững, toàn diện và định hướng xuất khẩu. Sự tham gia của ĐH Queensland, Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Cần Thơ vào dự án này sẽ mở ra cơ hội cho sinh viên học tập và bổ sung bằng cấp, bao gồm cả các bậc sau đại học thuộc những lĩnh vực liên quan đến chuỗi giá trị lúa gạo.
Dự án mở ra cơ hội tăng cường năng lực cho tất cả người tham gia thông qua các chương trình đào tạo chính thức, các hoạt động tương tác trong nhóm dự án, tổ chức các chuyến đi thực địa và hội thảo. Dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các nông hộ nhỏ thông qua các dịch vụ khuyến nông của các Sở NN&PTNT ở các hợp tác xã, các hoạt động chung với Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ...
Các hoạt động của dự án đều lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo, từ khâu làm đất trồng cho đến thành phẩm cuối cùng. Điều này giúp tất cả bên liên quan cải thiện hiệu quả làm việc, mang lại lợi ích cho các nông hộ sản xuất nhỏ cũng như cộng đồng và môi trường xung quanh họ.
Bài, ảnh: LÊ HOÀI
Hãy là người bình luận đầu tiên