Tên đề tài: Hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình Khmer tại tỉnh Trà Vinh
Chuyên ngành: Dân tộc học
Mã số: 93.10.310
Họ và tên nghiên cứu sinh: Tạ Duy Linh
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phan An, PGS.TS. Huỳnh Ngọc Thu
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG-HCM
+ Tóm tắt nội dung luận án (abstract) – viết dưới dạng tóm tắt bài báo khoa học
Luận án hướng đến việc bổ sung luận cứ khoa học về quá trình phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam, trên cơ sở phân tích sự tham gia của hộ gia đình Khmer vào hoạt động du lịch tại tỉnh Trà Vinh. Qua đó, các khuyến nghị phù hợp được hình thành nhằm phát huy vai trò chủ thể, chuyển biến nhận thức, tăng cường và nâng cao hiệu quả sự tham gia du lịch của người dân hướng đến chương trình trọng điểm quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tác giả đã vận dụng lý thuyết trao đổi xã hội làm cơ sở để giải quyết vấn đề nghiên cứu. Cùng với đó, phương pháp định lượng và định tính được áp dụng triệt để trong việc thu thập dữ liệu nhằm làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu.
+ Những kết quả của luận án
1. Luận án làm rõ thực trạng quá trình tham gia du lịch cộng đồng của hộ gia đình người Khmer tại tỉnh Trà Vinh bao gồm: i) Tham gia tập huấn phát triển du lịch cộng đồng, ii) Tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng và iii) Tham gia xúc tiến và quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch cộng đồng.
2. Luận án đã phân tích những yếu tố thúc đẩy hộ gia đình người dân Khmer ra quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng bao gồm: i) Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, ii) Nhận thức của hộ gia đình người dân Khmer và iii) Lợi ích kinh tế khi tham gia du lịch. Bên cạnh đó là những rào cản hạn chế hộ gia đình người dân Khmer tham gia du lịch cộng đồng như: i) Trình độ học vấn của hộ kinh doanh du lịch người Khmer, và ii) Cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch.
3. Luận án đã chỉ ra hệ quả của sự tham gia du lịch tác động đến đời sống kinh tế và xã hội của hộ gia đình người dân Khmer ở Trà Vinh trên một số phương diện qua những mặt đã đạt được: i) Đời sống kinh tế của hộ gia đình người dân Khmer: Tạo cơ hội việc làm, tăng nguồn thu nhập cho hộ gia đình, Nâng cao chất lượng đời sống vật chất cho hộ gia đình, Dịch chuyển sinh kế nông nghiệp sang dịch vụ và Phát huy các nghề truyền thống; ii) Đời sống văn hóa - xã hội của hộ gia đình người dân Khmer: Nâng cao nhận thức của hộ dân về các giá trị văn hóa Khmer, Tạo cơ hội giao lưu văn hóa, nâng cao dân trí, kiến tạo và củng cố mạng lưới quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn tại đó là: Sự phân hóa kinh tế trong phum sóc, Suy giảm các hoạt động sinh kế truyền thống Khmer, Giá tiêu dùng tăng, Biến đổi văn hóa truyền thống và Suy giảm sự gắn kết giữa hộ dân với cộng đồng.
4. Luận án chỉ xu hướng phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Trà Vinh trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Cụ thể là, i) Sinh kế mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Trà Vinh, ii) Du lịch cộng đồng và sự kiến tạo bản sắc du lịch Trà Vinh và iii) Phát triển chuỗi cung cứng dịch vụ du lịch cộng đồng.
5. Luận án đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần cải thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động du lịch cộng đồng có sự tham gia của hộ gia đình người Khmer; đồng thời, giúp ngành du lịch Trà Vinh phát triển theo hướng bền vững.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu Luận án có thể chuyển giao cho một số địa phương để ứng dụng và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng gắn với người Khmer ở Khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hãy là người bình luận đầu tiên