Tên đề tài: Hoạt động ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng hoà với các nước “Đồng minh” của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (1965-1973)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
Họ và tên nghiên cứu sinh: Hà Triệu Huy
Người hướng dẫn khao học: PGS. TS. Trần Thị Mai
Tên cơ sở đào tạo: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp.HCM.
1. Tóm tắt nội dung luận án
Năm 1965, chính phủ Mỹ đã trực tiếp đưa quân đội Mỹ tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Để chia sẻ trách nhiệm, chính phủ Mỹ đã phát động chiến dịch “Thêm cờ”, lôi kéo Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Australia và New Zealand vào tham chiến. Từ cơ sở này, quan hệ giữa chính quyền Việt Nam Cộng hoà và nhóm nước này có những chuyển biến tích cực, có xu hướng gắn bó về lợi ích và tương xứng với biểu đồ chiến tranh của Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1973). Luận án tập trung phân tích tiến trình hoạt động ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng hoà với từng nước qua hai giai đoạn chính để thấy được điểm tương đồng và khác biệt cả về chiều kích thời gian và trong tính chất của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng hoà với mỗi đối tác. Từ đó, Luận án chỉ ra những đặc điểm chính trong các hoạt động ngoại giao của chính quyền Việt Nam Cộng hoà với nhóm nước này về hệ quả của nó đối với cả Việt Nam Cộng hoà và nhóm nước “Đồng minh” tham chiến.
2. Những kết quả của luận án
Luận án chỉ ra bốn yếu tố tác động đến sự hình thành chính sách đối ngoại và triển khai các hoạt động ngoại giao của Việt Nam Cộng hoà đối với các nước “Đồng minh” từ năm 1965 đến năm 1973. Trước hết, bối cảnh Chiến tranh Lạnh với cuộc đối đầu Xô-Mỹ đã định hình quan hệ quốc tế thời kỳ này là thời kỳ của trật tự thế giới lưỡng cực. Hai là, sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng miền Nam Việt nam (1954-1965) dẫn đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ba là, sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước “Đồng minh” của Mỹ qua biểu đồ chiến tranh của Mỹ trong hai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh”. Bốn là, tình hình bất ổn về chính trị của Việt Nam Cộng hoà (1963-1965) và việc xây dựng chính sách đối ngoại của chính phủ Việt Nam Cộng hoà (1965-1968), nhấn mạnh vào sự tập trung vào các hợp tác về mặt chính trị - quân sự. Sau đó, chính sách ấy lại bị ảnh hưởng sâu sắc khi Mỹ thay đổi sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và thực hiện rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hoà phải điều chỉnh chính sách nhằm mục tiêu tiếp tục củng cố quan hệ song phương với Mỹ và “Đồng minh” nhưng đồng thời mở rộng các hoạt động ngoại giao nhấn mạnh vào việc phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế “thời hậu chiến” và cải thiện hình ảnh của Việt Nam Cộng hoà trong quan hệ quốc tế.
Trong giai đoạn Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã thực hiện các chính sách theo hướng thực tế hơn, đa dạng hơn, tạo động lực phát triển ngoại giao của chính thể này. Biểu hiện nổi bật của các hoạt động ngoại giao của chính phủ Việt Nam Cộng hoà trong giai đoạn này là việc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã thường xuyên gửi điện tín và trao đổi điện đàm với lãnh đạo các nước thuộc thế giới Tư bản và với các nước “Đồng minh” tham chiến. Việt Nam Cộng hoà cũng từ đó mà đạt được một số Thông cáo chung song phương với Australia và New Zealand vào năm 1968, Việt Nam Cộng hoà - Hàn Quốc vào năm 1967, Việt Nam Cộng hoà - Philippines vào năm 1964, Việt Nam Cộng hoà - Australia vào năm 1968. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại giao của Việt Nam Cộng hoà trong giai đoạn này cũng gặp phải rất nhiều hạn chế. Về khách quan, sự mở rộng chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam hạn chế hiệu quả của các hoạt động ngoại giao khi nó chỉ hướng chính thể Việt Nam Cộng hoà đạt được các mục tiêu về mặt quân sự và chính trị. Bên cạnh đó, việc leo thang chiến tranh để tìm kiếm chiến thắng của Mỹ, Việt Nam Cộng hoà và “Đồng minh” cũng làm cho phong trào phản chiến ở các nước “Đồng minh” tham chiến gia tăng, dẫn đến sự xáo trộn trong nội bộ chính trị của các nước “Đồng minh” tham chiến và làm xấu đi hình ảnh của chính thể Việt Nam Cộng hoà. Một hạn chế quan trọng của hoạt động ngoại giao Việt Nam Cộng hoà là việc phụ thuộc vào viện trợ Mỹ cũng như thiếu vắng một chính sách hoàn chỉnh trong việc phát huy tiềm năng của đất nước trong việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.
Trong giai đoạn Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973), Việt Nam Cộng hoà đã điều chỉnh chính sách đối ngoại và thực hiện mục tiêu tiến hành các hoạt động ngoại trên nhiều phương diện, không chỉ là các cam kết với các nước “Đồng minh” tham chiến về mặt chính trị, quân sự. Đồng thời, đã mở rộng chính sách tập trung vào tăng trưởng kinh tế bằng cách kêu gọi các kế hoạch đầu tư và hợp tác kinh tế với các nước tư bản. Mặt khác, Việt Nam Cộng hoà đã khuyến khích giao lưu nhân dân và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài mặc dù chính phủ này đều vấp phải sự phản đối gay gắt của cả những cộng đồng ấy và dư luận quốc tế. Về hạn chế, trên phương diện khách quan, Việt Nam Cộng hoà đã phải chịu áp lực khi Mỹ rút dần quân đội ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ - Trung tìm kiếm cơ hội bình thường hóa quan hệ, cũng như các cuộc đàm phán bí mật giữa Hà Nội và Washington. Việt Nam Cộng hoà vẫn gặp phải những định kiến bị cho là chính phủ thân Mỹ, tham nhũng hàng đầu và nhất là không được lòng những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là sự phản đối chiến tranh vẫn còn tiếp tục diễn ra ở Mỹ, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand. Thêm vào đó, vai trò của thông tin tuyên truyền lớn từ phía đối phương đã khiến Việt Nam Cộng hoà không được nhìn nhận là một chính thể đại diện cho hòa bình, “độc lập, tự chủ” ở Việt Nam. Chính vì vậy, mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế nhưng Việt Nam Cộng hoà vẫn không đạt được những hiệu quả trong ngoại giao vì tính chính nghĩa và tính lệ thuộc của nó vào Mỹ và viện trợ của các nước “Đồng minh”.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn
Về mặt khoa học: Luận án góp phần tiếp nối những hướng nghiên cứu về chính thể VNCH ở Việt Nam hiện nay để hiểu rõ hơn bản chất của chính thể này và góp phần bổ sung các nguồn sử liệu lưu trữ và tài liệu tiếng nước ngoài để phục vụ nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại.
Về mặt thực tiễn: góp phần bổ sung thêm tri thức cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam, phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam hiện đại và lịch sử ngoại giao Việt Nam. Bên cạnh đó, Luận án góp phần bổ sung tư liệu để tìm hiểu về tiền đề lịch sử hình thành các quan hệ ngoại giao của Việt Nam đương đại với các nước trên thế giới cũng như khái quát một số bài học lịch sử trong việc xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện nay.
Hãy là người bình luận đầu tiên