Ngày 15/10, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM đã tổ chức kỳ họp lần thứ 13 khóa IV. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.
Hội đồng đã nghe Báo cáo sơ kết tình hình hoạt động ĐHQG-HCM 9 tháng đầu năm 2021; Báo cáo Kế hoạch hoạt động ĐHQG-HCM các tháng cuối năm 2021 và định hướng kế hoạch hoạt động năm 2022; Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn; Báo cáo kiện toàn Hội đồng trường; Đề án phát triển Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre thành trường đại học thành viên ĐHQG-HCM; Báo cáo Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP và xây dựng tiêu chí đánh giá; Báo cáo về Nghị quyết 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đề án đưa ĐHQG-HCM thành Trung tâm đào tạo về trí tuệ nhân tạo của ASEAN.
Báo cáo sơ kết tình hình hoạt động ĐHQG-HCM 9 tháng đầu năm 2021, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ, Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, cho biết ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng trên các mặt, đặc biệt là trong kết quả xếp hạng đại học quốc tế. Cụ thể, ĐHQG-HCM thuộc Top 401-500 đại học thuộc các nền kinh tế mới nổi, Top 801-1.000 các đại học xuất sắc của thế giới, Top 401+ các đại học trẻ tốt nhất thế giới, Top 200 về chất lượng đầu ra của cựu sinh viên thế giới, Top 351-400 trường đại học tốt nhất Châu Á. Theo bảng xếp hạng Nature Index (khảo sát từ 1/12/2019-30/1/2020), ĐHQG-HCM đứng thứ hai Việt Nam về công bố quốc tế ở lĩnh vực khoa học tự nhiên. Còn theo bảng xếp hạng của THE, nhóm ngành Kỹ thuật - Dầu khí của ĐHQG-HCM cũng thuộc Top 101-150 thế giới, nhóm ngành Khoa học sự sống thuộc Top 601-800 và Khoa học tự nhiên thuộc Top 801-1.000, nhóm ngành Khoa học xã hội và Kinh doanh - kinh tế của ĐHQG-HCM được xếp hạng đồng vị trí Top 601+. Ngoài ra, Khoa Điện tử Viễn thông Trường ĐH Quốc Tế tiếp tục đạt chuẩn kiểm định ABET (Hoa Kỳ) và được cấp giấy chứng nhận mức cao nhất - 6 năm.
Hội đồng đã thông qua Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và bỏ phiếu thống nhất kiện toàn hội đồng Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, Trường ĐH An Giang.
Hội đồng cũng đã biểu quyết thông qua chủ trương sáp nhập 3 đơn vị trực thuộc ĐHQG-HCM gồm: Viện Đào tạo quốc tế, Trung tâm Tiền tiến sĩ và Viện Quản trị Đại học thành Viện Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển nghề nghiệp. Đồng thời, Hội đồng cũng thông qua Đề án phát triển Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre thành trường đại học thành viên ĐHQG-HCM và bỏ phiếu công nhận chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đối với PGS.TS Trần Lê Quan với tỉ lệ 100%.
Theo Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM, thời gian qua, ĐHQG-HCM đã tham gia rất nhiều hoạt động chống dịch. “Sắp tới, ĐHQG-HCM cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đến nghiên cứu khoa học phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài”- ông Quân nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương, Thành viên Hội đồng ĐHQG-HCM, cho rằng gặp khủng hoảng như dịch Covid-19, có doanh nghiệp không đứng vững được nhưng cũng có doanh nghiệp biến khủng hoảng thành cơ hội, vươn lên mạnh mẽ. Các trường đại học cũng nên xây dựng các kế hoạch, chiến lược phù hợp với tình hình mới để phát triển. Đặc biệt, ông cho rằng các trường cần đẩy mạnh tự chủ và có sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, các trường trong hệ thống ĐHQG-HCM nhiều hơn nữa. “Sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, các trường trong hệ thống ĐHQG-HCM giống như sự kết hợp của những tương phản để tạo nên sự tích hợp, và đó sẽ là sự kết hợp tạo nên những đồng nhất và khác biệt” - ông Dương nhấn mạnh.
Việc tính toán kinh tế, nguồn lực, mục tiêu khi thành lập trường đại học hay giảng dạy online và tổ chức giáo dục trong tình hình mới như thế nào cũng được các đại biểu đề cập và thảo luận.
Phát biểu kết luận, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt cho rằng Hội đồng đã có một phiên họp chất lượng với nhiều ý kiến đóng góp giá trị, tâm huyết.
Dự kiến phiên họp lần thứ 14, khóa IV của Hội đồng Đại học ĐHQG-HCM sẽ được tổ chức vào ngày 9/12/2021.
ĐOÀN CHÂU
Hãy là người bình luận đầu tiên