Hội nghị do ĐHQG-HCM và ĐHQG Hà Nội đồng tổ chức tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM vào chiều 20/7.
Tham gia xây dựng nhiều nghị quyết quan trọng
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, trong một năm qua, hai ĐHQG đã triển khai nhiều hoạt động để khẳng định vị thế của mình.
Trước tiên, về các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập ĐHQG Hà Nội. Theo đó, Nghị quyết khẳng định việc tăng cường đầu tư, phát triển ĐHQG Hà Nội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước.
Đối với ĐHQG-HCM, ông Quân cho biết, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có những định hướng hết sức quan trọng cho ĐHQG-HCM. Đó là phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm các đại học hàng đầu châu Á. Đồng thời, Chương trình hành động của Chính phủ đã giao cho ĐHQG-HCM xây dựng đề án phát triển ĐHQG-HCM trở thành đại học trong nhóm hàng đầu châu Á.
Giám đốc ĐHQG-HCM lưu ý, tháng 5 vừa qua, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc thực hiện mô hình Đảng lãnh đạo toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp trung ương. Văn bản này đều nhắc tên hai ĐHQG.
“Như vậy, có thể thấy rằng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định rất rõ vai trò của hai ĐHQG. Đây là thành công thứ nhất” - PGS.TS Vũ Hải Quân đánh giá.
Ông Quân cho biết, thành công tiếp theo là cả hai ĐHQG đều tham gia hết sức tích cực, sâu sắc trong việc xây dựng các nghị quyết mới, tổng kết các nghị quyết của Đảng.
Ông nói: “Chúng ta đã tham gia xây dựng, đóng góp cho nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta đã tham gia tổng kết các nghị quyết như nghị quyết về phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới, nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Chúng ta đều tổ chức các hội thảo cấp quốc gia dưới sự chủ trì của lãnh đạo trung ương Đảng”.
Giám đốc ĐHQG-HCM lưu ý thêm, một thành công khác của hai đơn vị liên quan Luật Thi đua, khen thưởng. Lần đầu thực thể của ĐHQG được xuất hiện trong một dự án luật và đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, giám đốc ĐHQG có thẩm quyền trình các cơ quan hữu trách ký các văn bản ra quyết định về khen thưởng. Đây là một thành công.
“Tất cả hoạt động này đã khẳng định vị thế của ĐHQG trong việc đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước” - PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Sẽ xây dựng chương trình hành động chung
Đề cập các thách thức đối với hai ĐHQG, ông Quân mong muốn cả hai đơn vị sẽ cùng chia sẻ và tìm ra các giải pháp phù hợp.
Theo Giám đốc ĐHQG-HCM, thách thức đầu tiên liên quan Nghị định về ĐHQG và Luật Thi đua khen thưởng.
“Mặc dù Luật Thi đua, khen thưởng mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024 nhưng nghị định về luật này chưa theo sát những mong muốn của hai ĐHQG. Đặc biệt trong việc hai ĐHQG được Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương công nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng của ĐHQG để tích lũy cho các danh hiệu khen thưởng cao hơn” - ông Quân nói.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, thách thức tiếp theo của hai đơn vị là hoạt động gắn kết, hợp tác. Các chương trình phối hợp chung chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo hai ĐHQG.
Ông cho biết: “Nhân hội nghị giao ban hôm nay, tôi muốn đề xuất, từ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị liên quan đến việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững, hai ĐHQG có thể xây dựng chương trình hành động chung của hai ĐHQG, sau đó cùng kiến nghị các cấp có thẩm quyền để chúng ta phát triển lĩnh vực này”.
Theo GS Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội, trong năm vừa qua, hai ĐHQG đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản trị nội bộ.
Ngoài các vấn đề liên quan Nghị định về ĐHQG và Luật Thi đua Khen thưởng, GS Lê Quân cho biết ông và PGS.TS Vũ Hải Quân đang trao đổi với các cơ quan trung ương về quy trình bổ nhiệm hai phó giám đốc của hai ĐHQG.
“Đặc biệt, lãnh đạo hai ĐHQG đang phối hợp để ban hành khung chức danh thuộc diện Ban Thường vụ ĐHQG quản lý liên quan việc triển khai kết luận 35 của Bộ Chính trị về các vị trí chức dang trong ĐHQG. Những vấn đề này chúng tôi đang phối hợp triển khai khá tốt” - Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh
GS Lê Quân cho biết thêm, hai ĐHQG sẽ ban hành khung quy chế phối hợp giữa hội đồng trường thành viên, đảng ủy và ban giám hiệu của các trường thành viên trong hai ĐHQG. Đây là khung quy chế thể hiện sự công khai, minh bạch, mang tính chất hoạt động điển hình, rộng khắp trong cả hai ĐHQG.
Trình bày các hoạt động hợp tác dự kiến của hai ĐHQG, PGS.TS Nguyễn Đình Tứ - Chánh Văn phòng ĐHQG-HCM, cho biết trong năm học 2023-2024, hai ĐHQG sẽ tập trung thực hiện một số hoạt động tiêu biểu như tiếp tục góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định về ĐHQG và dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định; cùng xây dựng khung chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHQG quản lý.
Hai ĐHQG sẽ xây dựng cổng thông tin hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị, trong đó chú trọng công tác triển khai hệ thống công nhận và chuyển đổi tín chỉ, hệ thống quy đổi điểm thi ĐGNL của hai ĐHQG.
Hội nghị còn lắng nghe các báo cáo chuyên đề về Quá trình xây dựng Nghị định và Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo dục đại học thành viên; Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu trường đại học thành viên của ĐHQG; Triển khai đào tạo trực tuyến các môn chung ở ĐHQG; và Xây dựng chương trình hành động của hai ĐHQG thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Bài và ảnh: PHIÊN AN
Hãy là người bình luận đầu tiên