Ngày 8/11, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM tổ chức hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu chuyên gia, giảng viên các trường ĐH trong và ngoài ĐHQG-HCM.
Với vai trò là diễn giả chính của hội thảo, PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường đã trình bày lịch sử hình thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), những hình thái cụ thể và tác động sâu sắc của cuộc cách mạng này đến giáo dục ĐH.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, giáo dục 4.0 liên quan đến CMCN 4.0. Ở đó, con người, máy móc, thiết bị, công việc được kết nối mọi nơi để tạo ra nền giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa. Trong khái niệm mới này, trường học, con người, chương trình, phương tiện truyền thống… được chuyển đổi thành đối tượng thông minh hơn, đặt trong một hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp.
“Về cơ bản, các hoạt động của trường ĐH vẫn đảm bảo giá trị cốt lõi của ĐH là chất lượng đào tạo, sáng tạo, tự do học thuật, đáp ứng nhu cầu xã hội… Nhưng với CMCN 4.0, xã hội ngày càng có nhu cầu và đòi hỏi khác biệt, khắt khe hơn, vì vậy trường ĐH phải sáng tạo và linh hoạt trong mọi hoạt động. Phải có một Smart University trong tình hình mới” - Diễn giả hội thảo nhấn mạnh.
Vì vậy, PGS.TS Hồ Thanh Phong đã đặt ra những yêu cầu đổi mới cấp thiết đối với tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, cụ thể là đổi mới công tác đào tạo, đáp ứng cơ sở vật chất, đề xuất các bước chiến lược mang tính hệ thống nhằm đón đầu xu hướng giáo dục tất yếu của thời đại.
Tại hội thảo, các kỹ thuật viên của Trường ĐH Quốc Tế đã giới thiệu đến các đại biểu quy trình hoạt động và thao tác vận hành máy in 3D, một sản phẩm công nghệ do chính đội ngũ khoa học nhà trường chế tạo.
Tin, ảnh: KHÁNH LÂM
Hãy là người bình luận đầu tiên