Sáng 20/5, Trường Đại học An Giang ĐHQG-HCM (Trường ĐHAG) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Hệ thống nông nghiệp - Lương thực, sức khỏe và di sản văn hóa - Thiên nhiên vùng đồng bằng.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế.
Tham dự hội thảo, PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐHAG cho biết “Dự án Nghiên cứu Đồng bằng” do ĐHQG-HCM phê duyệt, giao cho Viện Biến đổi khí hậu của Trường triển khai. Dự án được thực hiện trong 5 năm (2019-2024), do Tổ chức Nghiên cứu và Sáng tạo Anh Quốc (UKRI) tài trợ, với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn và bảo vệ tương lai cho các vùng đồng bằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội tốt để Trường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với Đại học Newcastle, Vương quốc Anh.
Dự án đã triển khai nghiên cứu ở các đồng bằng lớn, gồm: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) và Đồng bằng Sundarban (Bangladesh và Ấn Độ) để hỗ trợ sinh kế bền vững, cân bằng; quản lý bền vững hệ sinh thái và cảnh quan; giám sát và có chính sách tốt hơn để phát triển bền vững vùng đồng bằng.
Dự án đã đạt được những kết quả nổi bật như: Khảo sát và ghi nhận sự thay đổi văn hóa - xã hội của ĐBSCL theo thời gian và nghiên cứu sự tương tác giữa văn hóa - xã hội và kinh tế; công bố 1 bài báo trên tạp chí quốc tế nhóm Q1 và 3 bài nhóm Q2 trong danh mục Scopus; trình bày 5 báo cáo tại các hội nghị quốc tế; đào tạo và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học cho 2 nghiên cứu sinh cấp quốc tế; triển khai thành công mô hình canh tác sinh thái hữu cơ tại xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và mô hình lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Hội thảo lần này đã giới thiệu về tiến trình phát triển và tính thương mại của lúa sinh thái hữu cơ ở ĐBSCL; thảo luận việc áp dụng chế phẩm sinh học trong trồng lúa tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời, nhằm giảm phát thải khí carbon trong quá trình canh tác lúa ở ĐBSCL, đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã đề xuất các chính sách và cơ hội trong việc thực hành canh tác lúa hữu cơ và sinh thái. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa ở ven biển vùng đồng bằng cũng được đại biểu tham dự đưa ra thảo luận để có những giải pháp bảo vệ bền vững.
Trong khuôn khổ của hội thảo, ngày 21/5, các đại biểu tham quan thực địa tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới và Rừng tràm Trà sư, huyện Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang.
Tin, ảnh: HỮU NGHỊ
Hãy là người bình luận đầu tiên