Chiều 4/4, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (Q1), ĐHQG-HCM phối hợp Bộ KH&CN tổ chức tọa đàm “Hướng dẫn xây dựng đề xuất nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia ‘Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0’, mã số KC-4.0/19-30” (Chương trình KC-4.0).
PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN ĐHQG-HCM, cho biết trong chiến lược phát triển, ĐHQG-HCM chú trọng nhiệm vụ trọng tâm là những đề tài liên ngành, phục vụ chiến lược quốc gia, giải quyết các vấn đề địa phương. Chương trình KC4.0 hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM.
Ông Vinh mong các doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành, hợp tác với các nhà khoa học thực hiện các đề tài thuộc chương trình này.
Theo GS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0, Chương trình KC-4.0 nhằm thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Mục tiêu của Chương trình là làm sao để các nhà khoa học, chuyên gia làm chủ phát triển và chuyển giao công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0. Từ đó phát triển các sản phẩm, dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh” - ông Thủy nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ KH&CN rất quan tâm đến việc hỗ trợ phát triển mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Nội dung của chương trình sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, thiết kế vi mạch, mạng di động thế hệ thứ 5, điện toán đám mây … Qua đó tạo ra các sản phẩm trong: y tế, du lịch, tài chính- ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục- đào tạo, quốc phòng, an ninh…
Các đề xuất nhiệm vụ cho chương trình KC 4.0 sẽ được ưu tiên cho các đề xuất có sản phẩm có thể triển khai ứng dụng trực tiếp trong đời sống, có sự lan tỏa trong xã hội; cam kết đăng ký sở hữu trí tuệ, sáng chế; đảm bảo sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.
Đặc biệt, các đề xuất có sự phối hợp các công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, hoàn thiện công nghệ; đổi mới và triển khai mô hình quản trị, sản xuất- kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng.
Các đề xuất nghiên cứu sẽ gửi về Bộ KH&CN theo hai đợt vào ngày 20/4 và 30/6.
Tin, ảnh: PHAN YÊN
Hãy là người bình luận đầu tiên