Tin tức - Sự kiện

Khảo sát tình hình sử dụng và nghiên cứu tác động làm lành vết thương của một số cây thuốc dân gian được sử dụng bởi đồng bào K’Ho tại Vườn quốc gia BIDOUP - Núi Bà - NCS. Nguyễn Minh Cần

  • 04/11/2020
  • Tên đề tài luận án: Khảo sát tình hình sử dụng và nghiên cứu tác động làm lành vết thương của một số cây thuốc dân gian được sử dụng bởi đồng bào K’Ho tại Vườn quốc gia BIDOUP - Núi Bà
    Ngành: Công nghệ Sinh học 
    Mã số ngành: 60420201
    Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Minh Cần
    Khóa đào tạo: 2013
    Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Đặng Thị Phương Thảo
    Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG.HCM
    1. Tóm tắt luận án 
    Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) là khu vực có độ đa dạng sinh học rất cao với nhiều loài động thực vật được dùng làm thuốc. Đồng bào người K’Ho sinh sống tại đây có kiến thức y học dân gian phong phú trong chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị vết thương nói riêng, cần được nghiên cứu để bảo tồn, phát triển và ứng dụng. Từ đó, nội dung luận án đặt ra là khảo sát tình hình sử dụng các cây thuốc điều trị vết thương trong y học dân gian của người K’Ho tại Bidoup – Núi Bà, đồng thời nghiên cứu các tác dụng có liên quan đến quá trình làm lành vết thương là khả năng kháng khuẩn, kháng oxy hóa, kháng viêm, kích thích tăng sinh nguyên bào sợi của các cây thuốc này trong điều kiện in vitro và trên vết thương trên mô hình chuột. 
    2. Những kết quả mới của luận án 
    - Cao chiết EtOH 70% từ lá cây Sói Nhật  (Chloranthus japonicus Sieb.) có hoạt tính kháng oxy hóa thông qua khả năng bắt gốc tự do DPPH. 
    - Cao chiết EtOH 70% và cả 3 phân đoạn petroleum ether, ethyl acetate và phân đoạn còn lại từ rễ cây Hà thủ ô trắng (Streptocaulon juventas (Lour.) Merr.), cao EtOH 70% và 2 phân đoạn ethyl acetate, petroleum ether từ Rau tàu bay (Crassocephalum crepidioides (Benth.) S. Moore.) thể hiện hoạt tính kháng viêm in vitro thông qua khả năng ức chế sự tạo thành NO trên mô hình đại thực bào RAW 264.7 cảm ứng với lipopolysaccharide.
    - Cao chiết EtOH 70% từ Cỏ hôi (Ageratum conyzoides L.), Sói Nhật, Cỏ tai hùm (Conyza canadensis (L.) Cronquist), An điền mềm (Hedyotis capitellata var. mollis Pierre ex Pit. T.N. Ninh), Ba chạc (Melicope pteleifolia (Champ. Ex Benth.) T.G. Hartley)  và Hà thủ ô trắng và một số cao phân đoạn trích ly cao chiết EtOH 70% gồm phân đoạn petroleum ether, ethyl acetate từ Thủy xương bồ (Acorus calamus L.), Hà thủ ô trắng, An điền mềm; phân đoạn ethyl acetate và phân đoạn còn lại từ cây Cỏ hôi; phân đoạn petroleum ether và phân đoạn còn lại từ Sói Nhật; cả 3 phân đoạn từ cây Cỏ tai hùm; phân đoạn petroleum ether từ Rau tàu bay; phân đoạn còn lại của cây Ba chạc thể hiện hoạt tính kích thích tăng sinh trên NBS chuột NIH-3T3 trong điều kiện in vitro.
    - Cao chiết EtOH 70% từ lá Rau tàu bay và rễ Hà thủ ô trắng rút ngắn thời gian làm lành vết thương, làm giảm mật độ tế bào viêm và giảm mức biểu hiện của TNF-α, NF-κB1; đồng thời làm tăng số lượng nguyên bào sợi, số lượng mạch máu và tăng biểu hiện của TGF-β1 và VEGF.
    3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
    - Nghiên cứu tinh sạch và xác định cấu trúc các hợp chất có tác động làm lành vết thương ở cây Hà thủ ô trắng, Rau  tàu bay.
    - Nghiên cứu thêm tác động của cây Hà thủ ô trắng, Rau  tàu bay lên các cytokine khác trong quá trình làm lành vết thương và các mô hình vết thương khác như vết thương dạng rạch, bỏng.
    - Nghiên cứu tối ưu hóa hiệu suất tách chiết cao và hợp chất từ cây Hà thủ trắng, Rau tàu bay, nghiên cứu phối trộn dược liệu để phát triển các chế phẩm điều trị vết thương từ cao chiết 2 cây này.
    - Tiếp tục nghiên cứu về tác dụng làm lành vết thương của các cây thuốc còn lại, trong đó thay đổi phương thức, dung môi chiết, phương thức điều trị, loại vết thương để khẳng định có hay không khả năng làm lành vết thương của các cây thuốc này.
     

    Tệp đính kèm:

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên