Tên luận án: Khủng hoảng chính trị ở Balkans giai đoạn 1991 – 2008 (Trường hợp Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư)
Chuyên ngành: Lịch sử Thế giới
Mã số: 9229011
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Nhung
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Ngọc Dung
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Tp. HCM)
1. Tóm tắt nội dung của Luận án:
Luận án trình bày bức tranh toàn cảnh về khủng hoảng chính trị ở Balkans giai đoạn 1991 – 2008 (Trường hợp Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư) khi các nước cộng hòa trong liên bang tuyên bố trở thành các quốc gia độc lập từ năm 1991 cho đến năm 2008 khi Kosovo tuyên bố độc lập tách khỏi Cộng hòa Serbia. Trên cơ sở phân tích những tiền đề khách quan, chủ quan dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư sau Chiến tranh Lanh, luận án đã làm rõ diễn tiến của quá trình khủng hoảng thông qua các cuộc chiến tranh đẫm máu diễn ra trên lãnh thổ của quốc gia đa dân tộc này. Bên cạnh đó, luận án cũng đã luận giải về tính chất, bản chất của khủng hoảng chính trị ở Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời đặc phân tích đặc điểm, tác động của khủng hoảng đối với quốc gia, khu vực và thế giới.
2. Những kết quả của luận án:
Một là: Luận án phân tích chỉ rõ những tiền đề khách quan và chủ quan của khủng hoảng chính trị ở Balkans giai đoạn 1991 – 2008 (Trường hợp Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư - SFRY). Đó là sự hội tụ chín muồi của các nhân tố bên trong và bên ngoài dẫn đến khủng hoảng chính trị bao gồm tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, những yếu tố bên trong mang tính lịch sử của SFRY như chủ nghĩa dân tộc, cấu trúc mô hình nhà nước, vai trò của các cá nhân lãnh đạo...
Hai là: Luận án phân tích chi tiết diễn tiến quá trình khủng hoảng chính trị ở SFRY giai đoạn 1991 – 2008, qua đó làm rõ những đặc điểm cũng như tính chất của khủng hoảng. Đồng thời phân tích những nhân tố tác động đến diễn biến, kết quả trong quá trình khủng hoảng ở từng giai đoạn và không gian cụ thể. Bên cạnh đó, những lý thuyết tiếp cận khủng hoảng của chính trị học, quan hệ quốc tế được vận dụng trong quá trình phân tích để làm rõ tính chất, bản chất của khủng hoảng chính trị ở SFRY. Một bức tranh đa chiều về khủng hoảng sẽ được khắc họa khá chi tiết thông qua sử dụng các phương pháp phân tích, đối chiếu, phân kỳ lịch sử.
Ba là: Luận án phân tích những hậu quả và tác động của khủng hoảng chính trị ở SFRY trong giai đoạn 1991 – 2008. Trên cơ sở phân tích hậu quả và tác động của khủng hoảng để đưa ra những đánh giá, nhận xét và bài học cho hòa bình, ổn định, phát triển ở các quốc gia độc lập tách ra từ SFRY cũng như khu vực Balkans trong tương lai thông qua việc tăng cường sự hợp tác khu vực và châu lục.
3. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu:
Luận án đã giới thiệu nguồn tài liệu tham khảo khá phong phú về các nội dung liên quan đến khủng hoảng chính trị ở Balkans giai đoạn 1991 – 2008 (Trường hợp Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư). Luận án có thể được sử dụng để làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử thế giới, quan hệ quốc tế. Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho học viên sau đại học và sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu những nội dung lịch sử liên quan.
Hãy là người bình luận đầu tiên