Tên đề tài luận án: Kiểm kê, phân loại các geosite ven biển Nam Trung Bộ
Ngành: Môi trường đất và nước
Mã số ngành: 9440303
Họ tên nghiên cứu sinh: Hoàng Thị Phương Chi
Khóa đào tạo: 2018
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hà Quang Hải
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG.HCM
1. Tóm tắt luận án
Sự ra đời của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu/Công viên địa chất quốc gia và sự phát triển các hoạt động địa du lịch để bảo tồn đa dạng địa học bên cạnh bảo tồn đa dạng sinh học đã tạo ra một kết nối mang tính chất bền vững. Cơ sở thành lập công viên địa chất chính là kết quả của việc kiểm kê geosite và đa dạng địa học. Đây là việc làm mang tính cấp thiết, nhất là đối với Dải ven biển Nam Trung Bộ, nơi có nhiều địa di sản có giá trị nhưng vấn đề bảo tồn chưa được quan tâm.
Để thực hiện kiểm kê geosite và đa dạng địa học, luận án thực hiện bốn phương pháp nghiên cứu gồm: 1) Nghiên cứu tài liệu; 2) Khảo sát thực địa; 3) Phương pháp chuyên gia và 4) Kỹ thuật GIS. Kết quả kiểm kê cho thấy Dải ven biển Nam Trung Bộ có sự phong phú về kiểu, dạng geosite và sự đa dạng địa học cao. Ở đây có 90 geosite thuộc 10 cụm được phân thành 5 kiểu gồm: địa mạo, thạch học, địa tầng, kiến tạo, thủy văn; 5 dạng hình học: diện, tuyến, điểm, điểm nhìn và phức hợp. Các geosite và sự đa dạng địa học có sự phân dị theo ba đơn vị kiến tạo, trong đó phong phú và đa dạng hơn cả là Địa khu biến chất cao Kon Tum. Cả 8 tỉnh/thành ven biển Nam Trung Bộ đều có các geosite thuộc loại quý/hiếm có giá trị khoa học. Tỉnh Ninh Thuận là vùng khí hậu khô hạn nhưng có nhiều geosite nhất (16), ít nhất là Quảng Nam (6), các tỉnh còn lại có từ 8 đến 13 geosite. Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận là 3 tỉnh có đủ 5 kiểu geosite.
Dải ven biển Nam Trung Bộ nhỏ, hẹp nhưng có cấu trúc kiến tạo phức tạp, địa hình đặc thù, khí hậu độc đáo. Tổ hợp các quá trình địa chất nội sinh và ngoại sinh hội tụ và tương tác với nhau là cơ sở tạo nên sự phong phú geosite và tính đa dạng địa học của khu vực này. Tuy nhiên, sóng biển và hoạt động nhân sinh diễn ra trong khu vực là các tác nhân chính đang phá hủy và làm một số geosite bị suy thoái. Để bảo vệ, bảo tồn các di sản này cần có giải pháp đồng bộ từ điều chỉnh các văn bản pháp quy tới việc quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng, thành lập các Công viên địa chất, triển khai loại hình địa du lịch gắn kết với bảo tồn và phát triển kinh tế.
2. Những kết quả mới của luận án
Danh sách 90 geosite thuộc 10 cụm theo đặc điểm địa học Dải ven biển Nam Trung Bộ thuộc 5 kiểu gồm: địa mạo, thạch học, địa tầng, kiến tạo, thủy văn; gồm 5 dạng hình học: diện, tuyến, điểm, điểm nhìn và phức hợp.
Phát hiện các giai đoạn hình thành địa hình đá chồng trên granit tại Hang Rái và Công viên đá Láng Chổi thuộc VQG Núi Chúa, Ninh Thuận. Phát hiện này là cơ sở giải thích cho hiện tượng đá chồng tương tự xuất hiện rời rạc tại các khu vực khác.
Geosite Cửa Đại là geosite động – một mô hình trực quan về cửa sông Liman đang chịu tác động mạnh mẽ của biển tiến hiện đại thế kỷ 21 và các hoạt động nhân sinh diễn ra trên lưu vực sông Thu Bồn.
Đè xuất năm Công viên địa chất quốc gia: (1) CVĐC Núi Thành trên nền đá biến chất tuổi Proterozoi, (2) CVĐC Lý Sơn trên đá bazan tuổi Holocen, (3) CVĐC Xuân Đài – Tuy An trên đá granit tuổi Creta và bazan Pliocen, (4) CVĐC bờ biển Vườn quốc gia Núi Chúa trên nền đá granit tuổi Creta và rạn san hô tuổi Pleistocen, Holocen và (5) CVĐC Phú Quý trên cát đỏ và bazan tuổi Pleistocen giữa – muộn.
3. Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Kết quả đề tài sẽ góp một phần xây dựng cơ sở dữ liệu geosite cấp quốc gia và quốc tế đồng thời là tài liệu cơ sở cho việc xây dựng các môn học về môi trường đới bờ biển nói chung và bảo tồn địa học, địa du lịch nói riêng.
Kết quả kiểm kê và phân loại geosite sẽ là cơ sở giúp các nhà quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương sớm đưa ra những quyết sách bảo tồn các di sản tự nhiên. Đây cũng là tài liệu hữu ích hỗ trợ các địa phương có kế hoạch triển khai thành lập các Công viên Địa chất Toàn cầu hay Công viên Địa chất quốc gia.
Các công bố các geosite có giá trị nổi bật về khoa học, về thẩm mỹ, về văn hóa sẽ thu hút thêm nhiều đối tượng du khách đến tham quan, học tập tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế địa phương.
Việc đánh giá định lượng giá trị khoa học, giá trị bổ sung của các geosite và lập kế hoạch bảo tồn chi tiết cho từng kiểu, dạng geosite là công việc cần thực hiện tiếp theo.
Hãy là người bình luận đầu tiên