Đề tài: Kiều Thanh Quế trong đời sống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9220120
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Thị Mỹ Hiền
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Hữu Hiếu
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tóm tắt nội dung luận án:
Kiều Thanh Quế là một gương mặt trí thức tiêu biểu ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Trong thời gian hoạt động văn học ngắn ngủi của mình, ông đã để lại cho nền văn học một số lượng công trình và bài viết tương đối đồ sộ. Bằng cách sử dụng kết hợp và linh hoạt các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành như phương pháp nghiên cứu tiểu sử, phương pháp nghiên cứu văn hóa - lịch sử, phương pháp nghiên cứu hệ thống, phương pháp so sánh, luận án đi vào tìm hiểu, làm rõ những đóng góp của ông đối với đời sống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, tiến đến khẳng định giá trị các trước tác, đồng thời xác định vị trí của Kiều Thanh Quế trên bản đồ lĩnh vực nghiên cứu văn học Việt Nam thời hiện đại.
+ Những kết quả của luận án:
1. Kiều Thanh Quế (1914-1948) là một nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, ông còn là một chiến sĩ có đóng góp tích cực cho phong trào Cách mạng tại Bà Rịa thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
2. Trong hoạt động nghiên cứu văn học, ông tập trung vào bốn mảng nội dung: nghiên cứu “cuộc tiến hóa” văn học Việt Nam, nghiên cứu các vấn đề trong đời sống văn học từ trung đại đến nửa đầu thế kỷ XX, nghiên cứu tư tưởng văn hóa Đông – Tây, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và giới.
3. Trong hoạt động dịch thuật – biên soạn: Ông giới thiệu chân dung các nhà văn hóa-tư tưởng cùng các học thuyết, tư tưởng của họ vào Việt Nam. Ngoài ra, ông còn chủ động, tích cực trong việc giới thiệu tiến trình văn học phương Tây. Ông là đại diện tiêu biểu cho lớp người đi truyền bá, lay động và khơi mở tầm nhận thức về mặt tư tưởng cho lớp trí thức Việt Nam những năm nửa đầu thế kỷ XX.
4. Trong hoạt động lý luận văn học: ông tham gia bàn luận về đặc trưng bản chất của văn học, đặc trưng hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, trình bày các quan niệm về chức năng của văn học cũng như quan niệm về nhà văn, tác phẩm, người đọc.
5. Trong hoạt động phê bình văn học: ông tham gia bàn luận về nhiều vấn đề, nổi bật nhất là quan niệm về hoạt động phê bình văn học, chức năng của phê bình văn học, vai trò, phẩm chất của nhà phê bình. Ông cũng tích cực giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học phương Tây vào Việt Nam song song với việc thực hiện các bài phê bình nóng hổi, đậm tính thời sự trên báo chí đương thời.
6. Có thể khẳng định, Kiều Thanh Quế là một gương mặt trí thức tiêu biểu, có những đóng góp ý nghĩa cho sự vận động, phát triển của đời sống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu:
Với những kết luận khoa học trên đây, chúng tôi nghĩ rằng luận án “Kiều Thanh Quế trong đời sống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” có thể là:
(1) Tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học Việt Nam nói chung và văn học Nam Bộ nói riêng.
(2) Đối với Kiều Thanh Quế, một người có đóng góp trên nhiều lĩnh vực, bên cạnh việc xem xét vị trí cũng như đóng góp của ông trong lĩnh vực văn học, chúng ta còn có thể xem xét các đóng góp khác của ông trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Trong tương lai, đây có thể sẽ là hướng tiếp cận tiếp theo dành cho Kiều Thanh Quế ở các công trình có liên quan.
Hãy là người bình luận đầu tiên