Ngày 27/1/2020 đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển ĐHQG-HCM. Trong chặng đường qua, ĐHQG-HCM đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, khẳng định rõ nét vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Nhìn lại những dấu ấn quan trọng cũng như hướng đến tương lai với nhiều cơ hội lẫn thách thức, Bản tin ĐHQG-HCM đã ghi lại ý kiến của các thầy cô và bạn trẻ trong hệ thống ĐHQG-HCM về những kỳ vọng trong giai đoạn tới.
*PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-HCM: ĐHQG-HCM đã khẳng định vị thế nòng cốt
Nhìn lại tổng thể 25 năm xây dựng và phát triển của ĐHQG-HCM, với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là ĐHQG-HCM đã hoàn thành xuất sắc các yêu cầu mà Đảng và Nhà nước giao phó. Có thể nói, cả ba mảng lớn trong sứ mạng của một đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, ĐHQG-HCM đã có nhiều thành tựu rất đáng kể, cả bề rộng lẫn bề sâu, khẳng định được vị thế không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế, xứng đáng là một tổ hợp nòng cốt và tiên phong của giáo dục đại học Việt Nam.
Về đào tạo, ĐHQG-HCM ngay từ những ngày đầu đã rất chú ý đến công tác duy trì, phát triển và bảo đảm chất lượng. ĐHQG-HCM là đơn vị có số lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế nhiều nhất nước, luôn đứng hạng cao trong các bảng xếp hạng thế giới. ĐHQG-HCM đã đi đầu trong việc sử dụng câu hỏi trắc nghiệm khách quan, áp dụng cách tiếp cận CDIO vào các chương trình đào tạo, mở các ngành mũi nhọn hiện đại, tổ chức thi đánh giá năng lực…
Bản thân tôi cũng rất tự hào về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của ĐHQG-HCM. Đội ngũ này phát triển về số lượng và chất lượng, đạt được rất nhiều thành tựu cũng như các giải thưởng trong và ngoài nước. Rất nhiều giảng viên giỏi, đủ mọi lứa tuổi hội tụ về ĐHQG-HCM, tạo nên sự phong phú về mọi mặt trong học thuật.
Một ấn tượng sâu sắc khác với tôi, đó là công tác xây dựng cơ sở vật chất. Nhờ sự quyết liệt trong công tác xây dựng cơ bản, từ năm 2004, Nhà Điều hành ĐHQG-HCM đã đi vào hoạt động, đặt nền móng cho việc phát triển Khu Đô thị ĐHQG-HCM sau này.
Tôi kỳ vọng hệ thống ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục phát triển ngày càng nhanh chóng, hiện đại về chất lượng, danh tiếng trên phương châm quốc tế hóa. Bên cạnh đó, ĐHQG-HCM sẽ có những cơ chế, chính sách tốt hơn nữa nhằm phát triển mạnh đội ngũ cán bộ, giảng viên, cả về quy mô lẫn năng lực. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng ĐHQG-HCM chú trọng chuyển đổi số ở tất cả lĩnh vực, từ quản trị, quản lý đến chuyên môn. Tôi mong Khu Đô thị ĐHQG-HCM sẽ trở thành khu đô thị đại học kiểu mẫu trên cả nước, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và rộng lớn, tương tự như các campus của những trường đại học nổi tiếng của thế giới.
*GS.TS Huỳnh Như Phương - Giảng viên cao cấp Trường ĐH KHXH&NV: Ba điều kỳ vọng vào ĐHQG-HCM ở tương lai
Khi ĐHQG-HCM có quyết định thành lập, tôi đang làm Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí của Trường ĐH Tổng Hợp mới được hơn một năm. Cũng như một số đồng nghiệp lúc đó, lòng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội để đất nước ta xây dựng hai đại học lớn, góp phần đổi mới giáo dục nước nhà. Lo vì không biết bộ máy quản lý cồng kềnh có giảm hiệu quả hoạt động hay không.
Lúc đó cũng có ý kiến nên chăng xây dựng hai ĐHQG trên nền tảng mở rộng và nâng cấp từng bước Trường ĐH Tổng Hợp thì sẽ vững chắc hơn. Giai đoạn đầu ĐHQG-HCM gặp nhiều khó khăn: từ 10 trường thành viên, lần lượt một số trường rút ra, chỉ còn 3 trường nòng cốt là Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhưng điều đáng quý là những người lãnh đạo ĐHQG-HCM lúc đó vẫn bình tĩnh, kiên trì với hướng đi đã định và từng bước xây dựng những đơn vị mới thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực như ngày nay.
Có thể nói, sau 25 năm, ĐHQG-HCM như một con tàu hiện đại đã ổn định trên đường ray và vững vàng hướng về mục tiêu phía trước, nhanh hay chậm là do ý chí và nỗ lực của tất cả chúng ta. Trong giai đoạn 2021-2025, tôi kỳ vọng vào ĐHQG-HCM ba điều.
Một, là xây dựng thành công khu đô thị đại học văn minh, hiện đại để không những thầy và trò chúng ta tự hào mà cả những chuyên gia, khách mời từ nơi khác đến cũng phải thừa nhận đây là một không gian đại học đúng nghĩa.
Hai, là đa dạng hóa ngành học, góp phần tái cấu trúc hệ thống đại học, tiếp nhận các trường thành viên mới (như Trường ĐH An Giang, Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre…) vừa hợp lý vừa thận trọng, để trở thành một đại học “hoa tiêu” ở khu vực.
Ba, là chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Người sinh viên ĐHQG-HCM không chỉ là người giỏi chuyên môn để trở thành những nhà kỹ trị mà còn là người có ý thức phục vụ cộng đồng, gắn bó với xã hội và không thờ ơ với những lo âu, trăn trở của đồng bào mình.
*PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc Tế: Cần phải đẩy mạnh mảng sáng chế
Tôi gắn bó với ĐHQG-HCM từ năm 2002, khi còn là sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Lúc đó, tôi tham gia nghiên cứu khoa học và làm việc ở phòng thí nghiệm của trường trước khi qua Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh. Giờ nhìn lại, mảng quản lý và nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM đã có rất nhiều tiến triển và thay đổi tích cực.
ĐHQG-HCM có cơ chế khen thưởng, động viên sinh viên, nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học, có chính sách hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học, cơ sở vật chất hạ tầng, máy móc, trang thiết bị được đầu tư rất tốt và hiện đại. Tuy nhiên, có lẽ vì chưa có nguồn kinh phí lớn nên ĐHQG-HCM chỉ đầu tư tập trung ở các ngành mũi nhọn. Trong khi đó, muốn có những nghiên cứu đột phá, các nhà khoa học cần phải được tài trợ để không phải lo lắng về kinh phí, về cơ sở vật chất.
Tôi rất trăn trở vấn đề làm sao để các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ và ưu tú tốt nghiệp từ nước ngoài về có thể được an tâm, dồn hết sức mình cho nghiên cứu.
Tôi đã có khá nhiều công trình khoa học và rất quan tâm đến công bố khoa học. Nhưng nghĩ lại, nghiên cứu khoa học không nên dừng lại ở đó mà phải tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nơi mình sống. Tôi thấy bản thân tôi và một số nhà khoa học trong nước chưa quan tâm đến sáng chế. Phải có sáng chế mới “nói chuyện” được với doanh nghiệp, mà “nói chuyện” được với doanh nghiệp thì công trình nghiên cứu mới được ứng dụng thực tế.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, tôi mong muốn ĐHQG-HCM tập trung hỗ trợ các nhà khoa học trong việc bảo vệ sáng chế và có cơ chế đặc biệt cho sáng chế, để ngày càng có nhiều sáng chế được cấp bằng, như kế hoạch 5 năm trước, mình chú trọng vào các bài báo ISI và đã làm được. Tôi rất kỳ vọng ở kế hoạch chiến lược phát triển KHCN của ĐHQG-HCM giai đoạn 2021-2025.
*Chị Phùng Thị Diệu Hương - Bí thư Ban Cán sự Đoàn ĐHQG-HCM: Mong góp sức trẻ vào sự phát triển của ĐHQG-HCM
Qua 25 năm hình thành và phát triển, ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Với tôi, bên cạnh thành tựu về kiểm định chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ thì những nỗ lực phục vụ cộng đồng của ĐHQG-HCM là nổi bật hơn cả.
Cụ thể, khi dịch COVID-19 bùng phát, với sứ mạng tiên phong, dẫn dắt, nhiều nhà khoa học, nghiên cứu viên trong hệ thống ĐHQG-HCM đã nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm đa dạng, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ngoài ra, ĐHQG-HCM còn có nhiều hoạt động tích cực trong thời gian giãn cách xã hội, từ việc huy động hàng trăm lượt tình nguyện viên phục vụ khu cách ly, xây dựng website tư vấn sức khỏe đến quyên góp nhiều hiện kim, vật phẩm hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu và các địa phương trên cả nước.
Tôi rất kỳ vọng ĐHQG-HCM bước sang tuổi 26 sẽ trở thành một hệ thống đại học đạt tầm khu vực và quốc tế, đa dạng hóa hơn nữa loại hình và chương trình đào tạo, vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vừa dẫn dắt phát triển kinh tế đất nước lâu dài. Là một người trẻ, tôi đặc biệt kỳ vọng thanh niên ĐHQG-HCM nói riêng và giới trẻ nói chung sẽ có sự tự tin và bứt phá trong học tập, nghiên cứu, làm việc để vừa phát triển bản thân vừa đóng góp thiết thực vào tiến trình đi lên của đất nước.
MINH CHÂU - ĐỨC LỘC thực hiên (Bản tin ĐHQG-HCM Xuân 2021)
Hãy là người bình luận đầu tiên