Khoa học công nghệ

Kỳ vọng hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học liên ngành

  • 14/10/2023
  • Sáng 14/10, tại Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1) đã diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Nghiên cứu liên ngành lần 1.

    PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ kỳ vọng về hoạt động của CLB Nghiên cứu liên ngành.

    Không gian sinh hoạt học thuật cởi mở

    Phát biểu tại buổi sinh hoạt, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM, cho rằng chúng ta cần “thẳng thắn thừa nhận” sự thật là số lượng nghiên cứu sinh và học viên cao học thuộc khối KHXH&NV chưa nhiều; số lượng xuất bản quốc tế của Trường ĐH KHXH&NV nói riêng và khối KHXH&NV nói chung còn thấp.

    Ông Quân kỳ vọng việc tổ chức sinh hoạt CLB Nghiên cứu liên ngành sẽ tạo không gian sinh hoạt học thuật cởi mở để các nhà khoa học có thể chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công tác nghiên cứu; từ đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và nâng cao số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học có thể kết nối, hợp tác để hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học liên ngành.

    Bên cạnh việc xuất bản bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, ĐHQG-HCM còn mong muốn các nhà nghiên cứu lĩnh vực KHXH&NV sẽ có những báo cáo khoa học mang tính chất dẫn dắt, định hướng và phản biện về những vấn đề mà xã hội quan tâm. 

    PGS.TS Vũ Hải Quân nói: “Mỗi năm, ĐHQG-HCM đặt hàng 1-2 báo cáo khoa học về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục. Tôi rất mong những báo cáo đó thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQG-HCM trong việc phản biện, xây dựng các chính sách về những vấn đề lớn của xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

    Để mô hình CLB thật sự hiệu quả, Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng nội dung mỗi buổi sinh hoạt phải cụ thể. Ông còn đề cập mô hình hoạt động của một CLB thuộc lãnh đạo các trường THPT ở New Zealand. Mỗi tháng, một thầy cô chia sẻ về một vấn đề, cũng như cách họ giải quyết vấn đề đó. Những thành viên khác sẽ góp ý thêm các giải pháp để học hỏi lẫn nhau.

    “Tôi tin rằng mô hình CLB chỉ phát triển bền vững khi mỗi người tham gia đều có thu hoạch và đóng góp. Vậy nên, bên cạnh việc lắng nghe, các thầy cô có thể chia sẻ, góp ý hướng tiếp cận của mình để giải quyết vấn đề. Như vậy, không khí sinh hoạt CLB sẽ sôi nổi hơn và thực sự hiệu quả” - Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định.

    Với vai trò là nhà quản lý, Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng bản thân ông cũng học hỏi từ chia sẻ của các thầy cô để xây dựng các chính sách phù hợp.

    Hy vọng hình thành đề tài nghiên cứu liên ngành

    PGS.TS Nguyễn Phương Thảo chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tại buổi sinh hoạt CLB.

    Buổi sinh hoạt lần 1 của CLB Nghiên cứu liên ngành xoay quanh chủ đề Phương pháp nghiên cứu định tính, nghiên cứu định lượng và một số khuyến nghị trong lĩnh vực KHXH&NV.

    Là báo cáo viên chính của buổi sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM, đề cập một số sai lầm khi phân tích, diễn giải dữ liệu định tính và định lượng như: thu mẫu không khách quan, đặt câu hỏi sai dẫn đến việc xử lý lý số liệu thống kê sai, diễn dịch sai kết quả.

    Đối với dữ liệu định lượng, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo cho rằng cần chú ý cỡ mẫu để chọn phương pháp nghiên cứu, thống kê phù hợp. Sau đó, phải kiểm tra tính ngẫu nhiên của mẫu để tránh sai sót khi xử lý số liệu thống kê. Đồng thời, chú ý bản chất biến và dữ liệu mình thu thập có trả lời cho câu hỏi nghiên cứu không. 

    Báo cáo viên Nguyễn Phương Thảo nói thêm: “Phương pháp nghiên cứu định tính rất dễ bị thiên kiến. Do vậy, trong quá trình tổng hợp thông tin, nhà nghiên cứu phải đọc nhiều tài liệu và xác định thiên kiến công bố để giữ tính khách quan cho nghiên cứu”.

    Với góc nhìn của một nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo thường áp dụng phương pháp định lượng hóa dữ liệu định tính khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên ngành. Ví dụ, khi xét về mức độ hài lòng, cô chia thành thang điểm 1-10 để đánh giá chính xác hơn. Cách định lượng hóa dữ liệu định tính này cũng giúp cô tránh thiên kiến khi thực hiện nghiên cứu.

    Thảo luận về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hạ Ni - Giảng viên Khoa Giáo dục, Trường ĐH KHXH&NV, cho rằng việc định lượng hóa dữ liệu định tính là một trong những phương pháp tốt để thực hiện nghiên cứu khoa học. Nhưng không nhất thiết phải luôn lượng hóa dữ liệu định tính.

    TS Nguyễn Thị Hạ Ni cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác lập cơ sở triết lý. Theo cô, để nghiên cứu khoa học liên ngành hiệu quả, các nhà khoa học phải chia sẻ, thấu hiểu và dung hợp với nhau dựa trên điểm tiếp cận riêng của mỗi ngành.

    Đồng tình với chia sẻ của TS Hạ Ni, TS Lê Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, hy vọng CLB Nghiên cứu liên ngành sẽ là nơi các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau hiểu nhau hơn, tìm được mối quan tâm chung để hình thành các đề tài nghiên cứu liên ngành.  

    Theo kế hoạch, buổi sinh hoạt tiếp theo của CLB Nghiên cứu liên ngành sẽ diễn ra vào ngày 28/10, tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở Đinh Tiên Hoàng, Q1).

    Bài, ảnh: THU TRANG

     

    Vui lòng nhập nội dung
    Vui lòng nhập mã xác nhận

    Hãy là người bình luận đầu tiên