Tên đề tài: Lỗi chuyển di ngữ pháp của người Việt sử dụng tiếng Anh
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 9229020
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đặng Thanh Nhơn
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Công Đức
Tên cơ sở đào tạo: Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG-TP.HCM.
+ Tóm tắt nội dung luận án (Abstract)
Luận án nghiên cứu lỗi chuyển di ngữ pháp của người Việt sử dụng tiếng Anh với hai dạng lỗi: lỗi biểu đạt số lượng và lỗi biểu đạt thời gian. Luận án tiếp cận vấn đề dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu. Phương pháp nghiên cứu chính của luận án là phương pháp miêu tả và phương pháp so sánh - đối chiếu. Luận án cũng sử dụng thêm phương pháp phỏng vấn tham khảo ý kiến của người bản ngữ Anh (phương pháp chuyên gia) về vấn đề lỗi và việc mắc lỗi khi sử dụng. Luận án đã làm rõ các vấn đề lí luận về thụ đắc ngôn ngữ thứ hai và hiện tượng gây lỗi trong cấu trúc ngôn ngữ do sự khác biệt về loại hình ngữ pháp giữa tiếng Anh và tiếng Việt cũng như sự khác biệt về tri nhận của người bản ngữ Anh và người Việt. Luận án đi sâu phân tích nguyên nhân gây lỗi và phân loại lỗi chuyển di ngữ pháp của người Việt sử dụng tiếng Anh, đồng thời đưa ra các kiến giải giúp người học hiểu được nguyên nhân gây lỗi và từ đó đạt kết quả tốt hơn khi học và sử dụng tiếng Anh.
+ Những kết quả của luận án
(1) Luận án trình bày và hệ thống hoá những vấn đề về thụ đắc ngôn ngữ, lý thuyết chuyển di ngôn ngữ, lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận; lý thuyết phân tích lỗi, lí thuyết về ngữ nghĩa và cách thức biểu đạt số lượng và thời gian trong các ngôn ngữ, và vấn đề về sự tri nhận của người bản ngữ Anh và người Việt, từ đó định hình bức tranh số lượng và thời gian trong hai ngôn ngữ Anh và Việt.
(2) Qua khảo sát và phân tích ngữ liệu từ 184 bài viết tiếng Anh với tổng số lượng là 38.373 từ của hai nhóm cộng tác viên người Việt có trình độ tiếng Anh Trung cấp đang học và sử dụng tiếng Anh trong nhà trường và môi trường khác ngoài học đường, luận án thu được một số kết quả chính như sau:
(i) Luận án đã chỉ ra những điểm khác biệt cơ bản về cách thức biểu đạt và sự tri nhận phạm trù số giữa Tiếng Anh và Tiếng Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ có hình thức số chung còn Tiếng Anh thì không có hình thức số này. Việc biểu đạt số lượng trong Tiếng Việt chỉ thực hiện bằng các phương tiện từ vựng (số từ, lượng từ, loại từ), trong khi đó số trong Tiếng Anh là một phạm trù ngữ pháp và dùng biến tố hoặc sự biến đổi gốc từ để biểu đạt số lượng. Ngoài ra, số là một phạm trù bắt buộc trong Tiếng Anh và việc biểu đạt số lượng ngoài ý nghĩa từ vựng ra thì nó còn có chức năng cú pháp: chức năng quan yếu để thiết lập tổ chức câu. Nhưng việc biểu đạt số lượng trong Tiếng Việt không bắt buộc trong mọi hoàn cảnh mà mang tính tuỳ nghi, và về cơ bản, nó chỉ có giá trị về nghĩa từ vựng. Sự tri nhận tính đếm được (ĐĐ) và không đếm được (KĐĐ) của danh từ trong Tiếng Anh và Tiếng Việt về cơ bản là khác nhau. Sự bất tương ứng giữa các cặp danh từ ĐĐ-KĐĐ Anh -Việt mang tính hệ thống.
(ii) Qua phân tích nguyên nhân chuyển di gây ra lỗi và khảo sát kiểm chứng từ thực tiễn, Luận án chỉ ra lỗi biểu đạt số lượng của người Việt khi sử dụng Tiếng Anh có ba loại và sáu kiểu.
• Lỗi chuyển di hình thức số chung từ Tiếng Việt vào Tiếng Anh: gồm hai kiểu là lỗi di chuyển số chung cho danh từ làm chủ ngữ và lỗi di chuyển số chung cho danh từ làm tân ngữ. Trong đó, kiểu lỗi thứ hai có số lượng nhiều nhất vì danh từ ở vị trí tân ngữ được tự do hơn, và không bị ràng buộc sự hoà hợp về số giữa chủ từ và động từ.
• Lỗi gán sai thuộc tính ĐĐ/KĐĐ cho danh từ trong ngôn ngữ đích: gồm hai kiểu là lỗi gán thuộc tính ĐĐ cho danh từ KĐĐ và lỗi gán thuộc tính KĐĐ cho danh từ ĐĐ. Kết quả khảo sát cho thấy kiểu lỗi thứ nhất xảy ra khá phổ biến.
• Lỗi giữ nguyên thuộc tính ĐĐ/KĐĐ khi từ đã thay đổi nghĩa, thay đổi sở chỉ gồm hai kiểu là lỗi giữ nguyên thuộc tính ĐĐ cho nghĩa KĐĐ và lỗi giữ nguyên thuộc tính KĐĐ cho nghĩa ĐĐ. Tỉ lệ của hai kiểu lỗi này gần tương đương nhau.
(iii) Về phương diện biểu đạt thời gian (TG), Luận án cũng đã chỉ ra những điểm khác biệt cách thức biểu đạt và tri nhận TG giữa TA và TV. Hai ngôn ngữ này có sự khác nhau cơ bản về cách thức biểu đạt thời gian. TA dùng các phương tiện ngữ pháp (thì-thể) làm phương tiện chủ yếu để biểu đạt thời gian. Sự biểu đạt này mang tính quan yếu, bắt buộc và triệt để. Ngược lại, TV dùng các phương tiện từ vựng (phụ từ, trạng ngữ, định ngữ) và ngữ cảnh để biểu đạt thời gian sự tình của phát ngôn. Sự biểu đạt thời gian trong TV mang tính chất tuỳ nghi, không bắt buộc và không quan yếu. Sự tri nhận của thời gian giữa người nói TV và người nói TA có hai điểm khác nhau cơ bản là tính thường trực/không thường trực của thời gian nói khi xây dựng biểu thức biểu đạt thời gian cho phát ngôn, và sự tri nhận theo mô hình thời gian tĩnh – chi tiết và sự tri nhận theo mô hình thơi gian động – khái quát. Những khác biệt này chính là nguyên nhân gây ra các lỗi chuyển di về biểu đạt thời gian của người Việt khi sử dụng TA.
(iv) Qua phân tích nguyên nhân chuyển di gây ra lỗi và khảo sát kiểm chứng từ thực tiễn, LA chỉ ra lỗi biểu đạt thời gian của người Việt khi sử dụng TA có 3 loại và 8 kiểu.
• Lỗi di chuyển tính tuỳ nghi về biểu đạt thời gian của L1 vào L2: gồm 4 kiểu, song trong ngữ liệu khảo sát lỗi chỉ xuất hiện ở 3 kiểu sau: lỗi thông tin TG của các mệnh đề trong câu không hoà hợp (chiếm số lượng nhiều nhất), lỗi thông tin TG của mệnh đề và trạng ngữ không phù hợp, và lỗi thông tin TG của câu không nhất quán với ngữ cảnh. Không có dạng lỗi không xác định TG cho sự kiện.
• Lỗi di chuyển tính không xác định về thời gian nói: gồm 3 kiểu: lỗi không xác định độ dài của thời gian nói, lỗi không xác định sự diễn tiến của thời gian sự tình (chiếm số lượng nhiều nhất), và lỗi di chuyển tự do thời gian nói.
• Lỗi di chuyển thể tiếp diễn của động từ trạng thái tĩnh: chỉ có một kiểu và chiếm tỉ lệ khá nhỏ.
(3) Luận án cũng đề xuất các giải pháp khắc phục gồm nhóm giải pháp lý thuyết và giải pháp thực hành để người dạy giúp người học nhận diện và sửa lỗi các lỗi chuyển di có liên quan. Luận án lưu ý rằng việc sử dụng phương pháp sửa lỗi nên nhất quán và chuẩn hoá, chỉ ra cho người học kiểu loại và vị trí lỗi, cũng như phản hồi nhận xét về lỗi nên rõ ràng, cụ thể, kịp thời và đi thẳng vào vấn đề, đồng thời giúp người học nhận thấy việc sửa lỗi liên quan đến cách nhìn nhận, và xử lý lỗi không phải là do người học yếu kém, mà là dấu hiệu để họ cần phải bổ sung kiến thức cho hoàn thiện và có thể đạt được mức độ thông thạo L2. Hy vọng, các giải pháp khắc phục lỗi, ở một chừng mực nào đó, có thể góp cải thiện vấn đề về lỗi biểu đạt số lượng và lỗi biểu đạt thời gian, và từ đó góp phần nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam.
+ Các ứng dụng/ khả năng ứng dụng trong thực tiễn hoặc những vẫn đề còn bỏ ngõ cần tiếp tục nghiên cứu
1. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể mang lại những thông tin bổ ích trong việc dạy ngôn ngữ/ngoại ngữ, làm tài liệu tham khảo trong việc giải thích nguyên nhân gây lỗi và phân loại lỗi chuyển di người Việt sử dụng tiếng Anh mắc phải.
2. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể là nguồn tham khảo cho nghiên cứu tiếp theo về biểu đạt số lượng và biểu đạt thời gian cũng như về tư duy văn hoá giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt, phục vụ dịch thuật song ngữ Anh-Việt.
3. Vấn đề luận án còn bỏ ngỏ, đó là chưa nghiên cứu một cách có hệ thống các lỗi chuyển di ngữ pháp khác như lỗi về biểu đạt về sự so sánh, biểu đạt về sự sở hữu, biểu đạt về tính xác định, ... tạo nên một bức tranh tổng quát về ảnh hưởng tiêu cực do sự khác biệt giữa tiếng Anh và tiếng Việt đến cách sử dụng tiếng Anh của người Việt. Đồng thời, tìm kiếm các nhóm giải pháp xử lí lỗi có xét yếu tố áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm chuyên dụng phục vụ tự sửa lỗi. Đây cũng là định hướng nghiên cứu trong tương lai mà người nghiên cứu cần tiếp tục tìm hiểu.
Hãy là người bình luận đầu tiên